Giám đốc khu vực châu Âu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Alfred Kammer cảnh báo việc tịch thu tài sản Nga cần được hỗ trợ về mặt pháp lý để không làm suy yếu hệ thống tài chính toàn cầu. Ảnh: CNN |
Trong một cuộc họp báo được tổ chức ngày 19/4, hãng tin RT dẫn lời ông Kammer cho biết: “Quan điểm của chúng tôi liên quan đến việc tịch thu tài sản của Nga là việc đó cần được các cơ quan tài phán và tòa án liên quan xác định và quyết định”. Theo ông, điều quan trọng nhất đối với IMF là “một khi bất kỳ hành động nào được thực hiện, tác động của nó lên hệ thống tiền tệ quốc tế đều phải được cân nhắc”.
Ông nhấn mạnh rằng đây là vấn đề của một hệ thống dựa trên các quy tắc đa phương và một hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế đang hoạt động tốt mà tất cả chúng ta nên tôn trọng, bởi nó đã mang sự thịnh vượng trong nhiều thập kỷ qua. Các tuyên bố của ông Kammer đưa ra tương tự với những gì giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva từng nhấn mạnh liên quan tới việc các quốc gia cần “cảnh giác với những hậu quả không lường trước được” của những hành động tịch thu này.
Kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022, EU cùng các quốc gia G7 đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Nga. Trong số đó, khoảng 211 tỷ USD đang được cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear có trụ sở tại Bỉ nắm giữ. Từ năm 2023, những khoản tiền trên đã tích lũy được gần 4,7 tỷ USD tiền lãi.
Một số quan chức phương Tây vì vậy đã kêu gọi việc tịch thu hoàn toàn các quỹ của Nga, hoặc ít nhất là sử dụng tiền lãi do tài sản đó tạo ra, và chuyển số tiền thu được sang Ukraine nhằm giúp đỡ cho các công tác tái thiết của quốc gia này. Hồi tháng 3 vừa qua, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, cũng đã đề xuất sử dụng lợi nhuận thu được từ dự trữ ngân hàng trung ương bị đóng băng của Nga để hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Trong khi nhiều ý kiến của các quốc gia phương Tây ủng hộ việc tài sản sản bị phong tỏa nên được sử dụng để hỗ trợ Ukraine, họ vẫn đang mâu thuẫn về việc liệu tịch thu hoàn toàn có hợp pháp hay không. Mỹ và Vương quốc Anh ủng hộ việc tịch thu trực tiếp các quỹ, nhưng một số quốc gia thành viên EU, đặc biệt là Pháp và Đức, cảnh báo rằng động thái này sẽ làm xói mòn niềm tin vào hệ thống tài chính châu Âu.
Bản thân IMF trước đây đã từng đưa ra cảnh báo rằng kế hoạch của phương Tây nhằm tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga có thể gây ra mối đe dọa cho hệ thống tiền tệ toàn cầu và gây ra những rủi ro không lường trước được.
Về phía Nga, nước này nhiều lần khẳng định động thái của các quốc gia phương Tây sẽ dẫn đến hậu quả tai hại. Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov tuyên bố rằng tất cả các quốc gia EU và quan chức ủng hộ kế hoạch của Borrell sẽ phải chịu “truy tố pháp lý trong nhiều thập kỷ tới”.
Nga tuyên bố rằng bất kỳ hành động nào được thực hiện đối với tài sản của mình sẽ bị coi là "trộm cắp", nhấn mạnh rằng việc tịch thu tiền hoặc bất kỳ động thái tương tự nào sẽ vi phạm luật pháp quốc tế và làm suy yếu các loại tiền tệ phương Tây, hệ thống tài chính toàn cầu và nền kinh tế thế giới.