IMF kỳ vọng Trung Quốc có thể bắt đầu đóng góp vào nền kinh tế toàn cầu từ giữa năm nay. Ảnh: Reuters |
Reuters trích dẫn giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết, năm 2023 sẽ là một "năm khó khăn" nữa đối với nền kinh tế toàn cầu. Trong khi lạm phát vẫn sẽ dai dẳng và duy trì ở mức cao, bà cho biết mình không mong đợi một năm 2023 với các đợt sụt giảm tăng trưởng liên tiếp như năm 2022 trừ phi xảy ra những diễn biến bất ngờ.
Tại trụ sở IMF ở Washington, Mỹ, bà trả lời các phóng viên rằng tăng trưởng sẽ tiếp tục chậm lại trong năm nay. Tuy nhiên điểm tích cực của vấn đề chính là thị trường lao động phục hồi tốt. Theo nhận định của bà, miễn là người lao động vẫn được tuyển dụng thì kể cả trong tình trạng giá cả tăng cao, mọi người vẫn sẽ chi tiêu và điều này giúp ích nhiều cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, bà Kristalina Georgieva khẳng định IMF không kỳ vọng sự hạ cấp dự báo lớn nào và đây là một tin tốt. Thông qua các tính toán của mình, IMF dự kiến sụt giảm kinh tế toàn cầu có khả năng sẽ chạm đáy và quay vòng vào cuối năm 2023, sang năm 2024.
Thêm vào đó, IMF cũng kỳ vọng Trung Quốc có thể bắt đầu đóng góp vào nền kinh tế toàn cầu bắt đầu từ giữa năm nay do nước này là một động lực tăng trưởng chính của kinh tế thế giới cùng Mỹ và châu Âu. Kịch bản này sẽ phụ thuộc vào việc Bắc Kinh không thay đổi phương pháp tiếp cận dịch bệnh và bám sát kế hoạch mở cửa trở lại. Trước khi đại dịch xảy ra, nước này luôn đóng góp khoảng 35% đến 40% tăng trưởng toàn cầu.
Đối với Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới, bà nhận định nước này có khả năng có thể hạ cánh nhẹ như kỳ vọng của Cục Dữ trự Liên bang (Fed). Thêm vào đó, nền kinh tế quốc gia này có thể sẽ chỉ suy thoái nhẹ nếu thực sự phải trải qua một cuộc suy thoái.
Bất chấp những điểm tích cực trong bức tranh hiện tại, bà khẳng định biến số vẫn còn tồn tại. Có nhiều sự không chắc chắn gây ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là vấn đề về khí hậu, một cuộc tấn công mạng lớn hay nguy cơ leo thang trong chiến sự giữa Nga và Ukraine thông qua sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tình trạng bất ổn về xã hội gia tăng, đặc biệt là tại Brazil và Peru cùng một số quốc gia khác cũng góp phần khiến tình hình kinh tế thiếu ổn định trong khi các tác động của việc siết chặt chính sách tiền tệ chưa hiện hữu rõ ràng.
Bà cho biết: “Chúng ta hiện đang ở trong một thế giới nhạy cảm hơn với các cú shock và chúng ta phải cởi mở rằng có thể có những rủi ro mà chúng ta thậm chí không nghĩ tới". Đặc biệt là trong những năm qua khi điều không tưởng đã xảy ra hai lần.
Trước mắt, để giải quyết tình hình lạm phát kéo dài, các ngân hàng trung ương nên tiếp tục gây sức ép để ổn định giá cả.