Người đi bộ đi ngang qua trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế ở Washington, DC., Mỹ, ngày 10/4/2023. Ảnh: Xinhua |
Theo Reuters, trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất công bố ngày 30/1, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 3,1% vào năm 2024, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 10/2023. Cơ quan này dự kiến tăng trưởng toàn cầu sẽ không đổi ở mức 3,2% vào năm 2025. Tuy nhiên, các con số dự báo thấp hơn so với mức tăng trưởng toàn cầu trung bình trong giai đoạn 2000-2019 là 3,8%.
Thương mại toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 3,3% vào năm 2024 và 3,6% vào năm 2025, thấp hơn nhiều so với mức trung bình là 4,9%, trong bối cảnh ngành này đang bị cản trở bởi hàng nghìn hạn chế thương mại mới.
IMF giữ nguyên dự báo về lạm phát toàn cầu là 5,8% cho năm 2024, nhưng đã hạ dự báo năm 2025 xuống còn 4,4%, từ mức dự báo 4,6% công bố vào tháng 10/2023. Trong đó, các nền kinh tế phát triển sẽ chứng kiến lạm phát trung bình là 2,6%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo tháng 10/2023. Ngược lại, lạm phát ở các nền kinh tế mới nổi, các nước đang phát triển sẽ ở mức trung bình 8,1%, trước khi giảm xuống 6% vào năm 2025.
IMF cho biết giá dầu thế giới trung bình sẽ giảm 2,3% vào năm 2024, so với mức giảm 0,7% mà họ đã dự đoán vào tháng 10/2023. Cơ quan này dự đoán, vào năm 2025, giá dầu có thể sẽ giảm tới 4,8%.
Bình luận về báo cáo, nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho biết: “Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi đáng chú ý, với lạm phát giảm đều đặn và tăng trưởng ổn định. Khả năng ‘hạ cánh mềm’ đã tăng lên. Chúng ta còn rất xa kịch bản suy thoái toàn cầu”.
Tuy nhiên, ông Gourinchas cũng cảnh báo về những rủi ro như căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và các cuộc tấn công ở Biển Đỏ có thể làm gián đoạn giá cả hàng hóa và chuỗi cung ứng, làm kéo dài tình trạng thắt chặt tiền tệ.
Lạc quan về Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á mới nổi
Trong báo cáo mới cập nhật, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ lên 2,1% vào năm 2024, tăng so với dự báo 1,5% công bố hồi tháng 10/2023. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Mỹ dự kiến sẽ giảm xuống còn 1,7% vào năm 2025.
Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho biết, mặc dù ghi nhận các gói hỗ trợ tài chính và chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ, nhưng IMF vẫn cảnh báo Washington rằng một số khoản trợ cấp từ các nhà sản xuất trong nước và các chính sách công nghiệp khác có thể vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu.
Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), IMF đã hạ dự báo tăng trưởng xuống còn 0,9% vào năm 2024 và 1,7% vào năm 2025. Trong đó, nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức dự kiến sẽ có mức tăng trưởng GDP tối thiểu là 0,5% vào năm 2024, thay vì 0,9% được dự báo trước đó.
Khu tài chính Lujiazui ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 28/2/2023. Ảnh: Reuters |
Đối với Trung Quốc, IMF dự kiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm 2024, tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 10/2023 và 4,1% vào năm 2025. Ông Gourinchas cho biết, mức tăng này phản ánh sự hỗ trợ tài chính đáng kể từ chính quyền Trung Quốc và mức độ ít nghiêm trọng hơn trong lĩnh vực bất động sản của quốc gia này.
IMF dự báo nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 2,6% vào năm 2024, cao hơn 1,5 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 10/2023. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này được dự đoán sẽ giảm còn 1,1% vào năm 2025. IMF cho biết có thể có những điều chỉnh thêm vì các con số dự báo này là sơ bộ và còn nhiều điều chưa chắc chắn về mức độ kích thích tài chính của Nga.
Đối với các nền kinh tế châu Á mới nổi, IMF dự báo con số tăng trưởng là 5,2% vào năm 2024 và kỳ vọng tình hình sẽ lạc quan hơn nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh ở Trung Quốc. Tuy nhiên, IMF cảnh báo rằng, vào năm 2025, khu vực châu Á mới nổi và đang phát triển có thể sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 4,8%.
Tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, mức tăng trưởng âm ở Argentina đã kéo giảm dự báo tăng trưởng của khu vực xuống 1,9% vào năm 2024, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 10/2023. IMF cho biết tăng trưởng khu vực này sẽ tăng lên 2,5% vào năm 2025.
Ông Gourinchas cho biết, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự kiến sẽ bắt đầu giảm lãi suất dần dần vào nửa cuối năm 2024. Tuy nhiên, ông cho rằng: "Chúng tôi vẫn chưa phải đến mức đó".
Chuyên gia này nhận xét, việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dự kiến sẽ duy trì lãi suất thấp là điều "phù hợp". Tuy nhiên, IMF đã thông báo rằng họ sẵn sàng tăng lãi suất nếu lạm phát tăng vọt.
Bên cạnh đó, ông Gourinchas cho rằng các thị trường đã "quá lạc quan" về triển vọng cắt giảm lãi suất sớm của các ngân hàng trung ương lớn. Việc định giá lại có thể làm tăng lãi suất dài hạn và kích hoạt củng cố tài chính nhanh hơn, ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng.
Ông cho biết, triển vọng tăng trưởng toàn cầu hiện nay phản ánh những rủi ro cân bằng hơn, khi nguy cơ xảy ra xung đột rộng hơn ở Trung Đông sẽ được bù đắp bởi triển vọng giá nhiên liệu thấp, từ đó giúp lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến. "Chúng tôi thấy chúng khá cân bằng vào thời điểm này", ông đánh giá.