Theo đó, tổng số lượng nhà đầu tư đăng ký mua hợp lệ là 617 cá nhân với số lượng cổ phiếu được đăng ký mua hợp lệ là 30.056.100 đơn vị, cao hơn đôi chút so với 30 triệu cổ phần được chào bán. Mức giá phân phối thành công là 30.000 đồng/CP, đúng như mức giá tối thiểu được công ty đưa ra.
Trong số 617 nhà đầu tư được phân phối cổ phiếu, có 11 cá nhân mua về tổng cộng gần 28 triệu cổ phần, tương đương 93% số cổ phiếu được DNSE chào bán trong đợt IPO lần này.
Danh sách 11 nhà đầu tư bao gồm bà Hứa Thu Thảo (150.000 CP), ông Nguyễn Duy Tuấn (4.990.500 CP); ông Nguyễn Thanh Bình (4.900.600 CP); bà Nguyễn Thị Huyền (3.193.900 CP); ông Hoàng Minh Thắng (1.097.900 CP); bà Nguyễn Minh Thu (149.700 CP) ông Lê Hoàng Long (2.465.300 CP); ông Vương Thái Minh (2.495.200 CP); ông Trịnh Trung Chính (2.994.300 CP); ông Nguyễn Ngọc Năng (2.495.200 CP); và bà Nguyễn Thị Loan (2.994.300 CP).
606 nhà đầu tư còn lại đặt mua tổng cộng hơn 2 triệu cổ phiếu, xấp xỉ 7% số cổ phiếu DNSE chào bán. Khối lượng được phân bổ chủ yếu là 1.000 - 10.000 cổ phần.
Quỹ ngoại PYN Elite Fund trở thành cổ đông lớn thứ hai của DNSE
Như vậy, với việc IPO thành công, DNSE ước tính thu về 900 tỷ đồng theo giá bán, 50% trong số đó sẽ sử dụng nhằm bổ sung vốn để cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán, giao dịch ký quỹ, 40% để bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh, 10% đầu tư cơ sở hạ tầng. Vốn điều lệ công ty cũng được nâng lên 3.300 tỷ đồng.
Tại buổi hội thảo về cơ hội đầu tư được DNSE tổ chức ngày 18/1/2024, lãnh đạo DNSE cho biết sẽ chính thức niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vào quý 2-3/2024, sau khi đợt IPO diễn ra thành công.
Trước đó vào cuối tháng 12/2023, Chứng khoán DNSE đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Quỹ PYN Elite Fund. Theo đó, PYN Elite Fund sẽ đầu tư vào DNSE với giá trị tương đương 12% vốn cổ phần DNSE. Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, thương vụ này sẽ đưa Quỹ ngoại đến từ Phần Lan trở thành cổ đông lớn thứ hai của Chứng khoán DNSE, sau Encapital Holdings.
Về tình hình kinh doanh, lũy kế cả năm 2023, tổng doanh thu của DNSE đạt 715 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ. Tăng trưởng mạnh nhất trong cơ cấu kinh doanh của DNSE là lãi từ tài sản FVTPL, tăng từ 19 tỷ đồng lên 158 tỷ đồng; lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn đạt 196 tỷ đồng, tăng 73%.
Dù chi phí dự phòng và chi phí đi vay các khoản cho vay giảm mạnh trong quý 4, lũy kế cả năm, khoản này của DNSE tăng gần 49% lên 211,5 tỷ đồng, bao gồm 5 tỷ đồng chi phí dự phòng và 206,5 tỷ đồng chi phí đi vay các khoản cho vay.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của DNSE đạt 229 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với thực hiện của năm 2022. Đây cũng là kết quả kinh doanh cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty chứng khoán này.