Người Palestine chạy trốn đến phía nam Dải Gaza dọc theo Phố Salah al-Din ở Bureij, ngày 9/11. Ảnh: AP |
"Israel đã thông báo với chúng tôi rằng sẽ không có hoạt động quân sự nào ở những khu vực này trong thời gian tạm dừng và quá trình này sẽ bắt đầu từ hôm nay. Chúng tôi hiểu rằng Israel sẽ bắt đầu thực hiện các lệnh tạm dừng kéo dài 4 tiếng mỗi ngày ở miền bắc Gaza và thông báo vào thời điểm 3 tiếng trước mỗi lần ngừng bắn", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 9/11 thông báo, theo CNN.
Ông Kirby cho biết quyết định tạm dừng hàng ngày được đưa ra sau các cuộc thảo luận giữa quan chức Mỹ và Israel những ngày gần đây, bao gồm cả cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Binh sĩ Israel đứng tại khu vực đống đổ nát ở phía bắc Dải Gaza, ngày 8/11. Ảnh: Reuters |
Nhà Trắng đã hoan nghênh diễn biến này, gọi việc tạm dừng là "những bước đi đúng hướng, quan trọng". "Chúng tôi đã hối thúc Israel làm mọi thứ có thể để giảm thiểu thương vong đối với dân thường", ông Kirby nói.
Ông cho biết việc Israel tạm ngừng bắn hàng ngày sẽ tạo điều kiện cho dân thường di chuyển ra khỏi vùng chiến nguy hiểm thông qua 2 hành lang nhân đạo, cũng như mang lại "cơ hội ngắn ngủi" cho việc giải phóng các con tin đang bị Hamas giam giữ.
Tuy nhiên, quan chức này cũng nêu quan điểm của Washington rằng lệnh ngừng bắn lâu dài giữa Israel và Hamas là không phù hợp vì điều đó sẽ giúp Hamas có thời gian củng cố lực lượng và "hợp pháp hóa những gì họ đã làm vào ngày 7/10".
"Đơn giản là tại thời điểm này, chúng tôi không ủng hộ lệnh ngừng bắn lâu dài", ông Kirby nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại một sự kiện ngày 9/11. Ảnh: AP |
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các phóng viên rằng ông vẫn đang thúc đẩy Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đồng ý tạm dừng giao tranh kéo dài nhiều ngày chứ không phải hàng giờ.
Khi được hỏi liệu ông có thúc giục ông Netanyahu đồng ý tạm dừng 3 ngày để đổi lấy việc thả một số con tin hay không, Tổng thống Biden xác nhận rằng ông đã làm như vậy và nói thêm rằng ông cũng đã yêu cầu nhà lãnh đạo Israel đồng ý tạm dừng thậm chí có thể kéo dài hơn ba ngày. Tuy nhiên, ông Biden cũng nhấn mạnh "không có khả năng" về một lệnh ngừng bắn lâu dài hơn, điều mà Washington cho rằng sẽ có lợi cho phía Hamas.
Về phía Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói với Fox News rằng bất kỳ sự tạm dừng cục bộ nào cũng sẽ bị phân tán và không có xác nhận chính thức nào về kế hoạch tạm dừng định kỳ.
Khi được hỏi liệu có "điểm dừng" giao tranh hay không, ông Netanyahu tuyên bố: "Không. Cuộc giao tranh chống lại Hamas vẫn tiếp tục diễn ra, nhưng ở những địa điểm cụ thể trong khoảng thời gian nhất định. Chúng tôi muốn tạo điều kiện thuận lợi cho dân thường di chuyển an toàn ra khỏi khu vực giao tranh và chúng tôi đang làm điều đó”.
Ông cũng nhắc lại quan điểm rằng Israel sẽ không đồng ý ngừng bắn lâu dài hơn cho đến khi các con tin được Hamas trao trả.
Trong khi đó, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Israel Richard Hecht khẳng định không có việc ngừng bắn hoàn toàn. "Điều mà chúng tôi làm chỉ là thực hiện các khoảng dừng cục bộ mang tính chiến thuật kéo dài 4 tiếng mỗi ngày để tạo điều kiện cho cứu trợ nhân đạo", ông Hecht nhấn mạnh.
Cùng ngày, người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết, bất kỳ kế hoạch tạm dừng ngắn hạn nào trong cuộc giao tranh tại Dải Gaza đều phải được triển khai trên cơ sở phối hợp với Liên Hợp Quốc và theo thỏa thuận của tất cả các bên để "thực sự có hiệu quả".
Một người phụ nữ Palestine bế đứa bé tại trung tâm Dải Gaza, ngày 9/11. Ảnh: Reuters |
Theo báo cáo ngày 9/11 của cơ quan y tế ở Dải Gaza, khoảng 10.800 người đã thiệt mạng và hơn 26.900 người bị thương từ khi Israel tấn công khu vực này để đáp trả vụ tấn công ngày 7/10 của Hamas.
Trong một báo cáo mới của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), cuộc chiến của Israel với Hamas có thể khiến nền kinh tế Palestine ở Gaza và Bờ Tây bị thụt lùi hàng thập kỷ. Báo cáo cảnh báo, tháng xung đột vừa qua đã xóa đi 61% việc làm ở Gaza và 24% việc làm ở Bờ Tây. GDP của Palestine dự kiến sẽ giảm 4,2% sau một tháng giao tranh, thiệt hại khoảng 857 triệu USD. Nếu cuộc chiến kéo dài đến tháng thứ hai, con số đó sẽ tăng lên 1,7 tỷ USD, khiến GDP thiệt hại khoảng 8,4%.
Ông Abdallah Al Dardari, Giám đốc Văn phòng khu vực của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại các quốc gia Ả Rập, kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra, số người dân Palestine sống trong cảnh nghèo đói đã tăng thêm 300.000 người.