Doanh nghiệp hai bên tiếp xúc tại Hội thảo giao thương. |
Hội thảo do Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội và Cộng đồng xuất khẩu thông minh tổ chức có sự tham gia của 14 doanh nghiệp Việt Nam thuộc các ngành thực phẩm, nông sản, dược phẩm, chế phẩm hữu cơ… Đại diện phía Đông Âu và Nga là doanh nghiệp Agroqueen chuyên nhập khẩu các mặt hàng nông sản từ Việt Nam.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga năm 2021 đạt 7,14 tỷ USD tăng 25,9% so với năm 2020 và đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Nga. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khu vực ASEAN và là đối tác lớn thứ 5 trong các nền kinh tế APEC (sau Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản).
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nga sang Việt Nam đạt 2,24 tỷ USD tăng 38,3% (đứng thứ 39 trong số các đối tác thương mại của Nga); kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 4,89 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm 2020 (đứng thứ 12 trong các đối tác nhập khẩu chính của Nga). Việt Nam xuất siêu sang Nga 2,65 tỷ USD trong năm 2021.
Sang năm 2022, do bị ảnh hưởng bởi chiến sự giữa Nga và Ukraine hồi cuối tháng 2, nên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga chỉ đạt 723,5 triệu USD, giảm mạnh 47% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm đạt 174,8 triệu USD, chiếm tỷ trọng khoảng 24% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Nga, tăng gần 10 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện Công ty Xuất khẩu Thủy sản Lenger tham gia hội thảo cho biết, công ty chuyên xuất khẩu sản phẩm ngao đông lạnh và ngao chế biến tới các thị trường châu Âu, Mỹ và thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, do đó hy vọng thông qua buổi giao thương sẽ giúp công ty kết nối được với những khách hàng mới tại Nga và thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường mới.
Trong khi đó, xu hướng hiện nay của nhiều nước trên thế giới đang hướng đến sản xuất xanh, sạch để cho ra các sản phẩm organic, vì vậy, tại hội thảo, các doanh nhân Nga cũng rất quan tâm đến các sản phẩm được sản xuất với các tiêu chuẩn xanh hóa. Bên cạnh đó là các chế phẩm sinh học diệt trừ sâu bệnh được chiết xuất hoàn toàn từ các loại thảo mộc, giúp người nông dân vừa bảo vệ cây trồng mà sản phẩm vẫn đáp ứng được các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của các nước nhập khẩu.
Các sản phẩm ngao đông lạnh, ngao chế biến xuất khẩu sang các thị trường được Công ty Xuất khẩu Thủy sản Lenger trưng bày tại sự kiện. |
Năm 2022, các mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và điện thoại, linh kiện là những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị giảm tới 68%, do Nga tạm thời không thiếu những mặt hàng này và do những khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa tới Nga.
Bà Nguyễn Thị Hằng, đại diện Smart Hub, công ty dịch vụ hỗ trợ vận chuyển và xuất khẩu cho biết, hiện nay, không có phương thức vận tải trực tiếp tới Nga nên hàng hóa phải đi vòng, quá cảnh sang các nước lân cận như Ba Lan. Điều này sẽ khiến thời gian và chi phí vận chuyển bị đội lên cao gấp 1,5 lần so với mức trước đây. Hiện chi phí vận chuyển 1 container 40 feet đi bằng đường biển sang tới kho của người mua ở Nga sẽ mất khoảng từ 13.000 – 14.000 USD, do bị mất thêm gần 1.000 USD chi phí quá cảnh tại nước thứ 3. Tuy nhiên, một khó khăn mà các doanh nghiệp đều phản ánh, đó là vấn đề trong khâu thanh toán.