Nghỉ lễ 30/4-1/5, khách chuộng du lịch đường bộ, né đường bay. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN. |
Năm nay, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ được nghỉ 5 ngày liên tục. Kỳ nghỉ dài được xem là cơ hội vàng cho doanh nghiệp lữ hành mở đầu mùa cao điểm du lịch và nhiều lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khác.
Giá vé tăng cao, du khách 'né' đường bay
Ngày 17/4, trên các website bán vé máy bay, Mekong ASEAN ghi nhận, giá vé khứ hồi chặng Hà Nội - Phú Quốc đi ngày 26/4 về ngày 1/5 có giá từ 8-20 triệu đồng, cao hơn khoảng 2 triệu đồng so với một tuần trước.
Giá rẻ nhất đi chặng này ngày 26/4 của Vietjet là 2,3 triệu đồng và Vietnam Airlines bán với giá hơn 4,2 triệu đồng/vé. Với chiều về ngày 1/5, đường bay thẳng của hầu hết các hãng bay đều đã cạn; còn lại là nối chuyến với mức giá rẻ nhất của Vietjet là 3,6 triệu đồng/vé và của Vietnam Airlines là 5,5 triệu đồng/vé.
Cùng thời điểm bay trên, chặng khứ hồi bay thẳng Hà Nội - Nha Trang còn rất ít, có giá từ 4,5-9 triệu đồng; còn bay nối chuyến có giá từ 5-33 triệu đồng/ vé khứ hồi. Chặng TP HCM - Nha Trang dao động 3-8 triệu đồng/khứ hồi.
Mặc dù các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air mới đây đã tiến hành tăng tải nhiều chuyến bay nội địa, kể cả vào "giờ xấu" như bay đêm, sáng sớm, rút ngắn thời gian quay đầu tàu bay… nhưng giá vé máy bay từ Hà Nội/TP HCM tới các điểm du lịch nổi tiếng vẫn "căng như dây đàn", phần lớn chặng bay thẳng còn rất ít, thậm chí có tuyến đã cạn.
Giá vé máy bay nội địa tăng cao khiến nhiều người chuyển hướng chọn các tour, combo du lịch đường bộ trong kỳ nghỉ 30/4-1/5 kéo dài tới 5 ngày. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN. |
Lên kế hoạch cho dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 sắp tới, chị Hồng (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã khảo sát giá vé máy bay cả tháng nay, tranh thủ kỳ nghỉ dài 5 ngày để cả nhà được xả hơi. Tuy nhiên, đến giờ chị vẫn chưa chốt được do giá vé quá cao.
Chị Hồng cho biết, mức rẻ nhất của Vietjet chặng khứ hồi Hà Nội - Phú Quốc với giờ bay đêm cho 4 người trung bình hết khoảng 34 triệu đồng, chuyển sang đi Nha Trang cũng gần 28-30 triệu đồng.
Thời điểm này không chỉ vé máy bay Hà Nội - Phú Quốc tăng giá mà hầu hết đường bay tới các khu du lịch như Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn...đều trong tình trạng tương tự. Do đó, gia đình chị Hồng dự định chuyển sang du lịch bằng đường bộ, đi xe ô tô riêng để cùng gia đình trải nghiệm.
"Giá trong tầm 4-5 triệu đồng/ vé khứ hồi thì tôi còn gồng gánh được chứ mức giá như trên là quá cao. Đi du lịch dịp này về là e rằng rỗng túi," chị Hồng chia sẻ với Mekong ASEAN.
Du lịch đường bộ lên ngôi
Không riêng gia đình chị Hồng, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, nhiều gia đình khác cũng phải tính toán rất kỹ. Năm 2023 và 2024, thị trường nhiều biến động, thu nhập người dân giảm sút, việc giá vé máy bay tăng cao trong dịp nghỉ lễ này đã khiến nhiều du khách, gia đình cân nhắc lựa chọn phương tiện giá rẻ, phù hợp như ô tô riêng, xe khách và tàu hỏa.
Tại trang bán vé của Tổng công ty đường sắt Việt Nam, Mekong ASEAN ghi nhận, tàu xuất phát từ ga Hà Nội đi các tỉnh phía Nam từ ngày 26-27/4 như SE1, SE5, SE11, SE19, QB1 gần như đã hết chỗ. Chiều về từ ngày 30/4-1/5, các tàu SE20, SE2, SE6, SE12, QB2 hầu như hết vé. Hiện chỉ còn chỗ cho tàu chạy cung đường ngắn giữa Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thanh Hóa, Hà Nội - Vinh.
Nhiều người dân lựa chọn đi du lịch bằng tàu hỏa trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN. |
Trước tình hình giá vé máy bay nhiều biến động, chị Thương, một đại lý chuyên book tour và phòng lưu trú trên phố Hàng Bè (Hà Nội), năm nay chú trọng khai thác nhiều hơn về tàu hỏa. Theo chị Thương, năm nay số lượng khách đăng ký vé tàu hỏa tuyến Hà Nội - Huế, Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - TP HCM, Hà Nội - Quảng Bình...tăng 30-40% so với năm ngoái, chiếm phần lớn là giới trẻ và gia đình.
Trao đổi với Mekong ASEAN về xu hướng trên, ông Phạm Duy Nghĩa, CEO Vietfoot Travel cho biết, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, công ty đã chốt được hơn 2.000 khách, chủ yếu là các combo đường bộ ngắn ngày, chiếm 3/4 khách đi nội địa. Nhiều khách hàng cá nhân, gia đình Hà Nội có nhu cầu rất lớn về các tour, combo du lịch giá rẻ, điểm đến là các địa điểm lân cận Hà Nội như Ninh Bình (Tràng An, Chùa Bái Đính), Quảng Ninh (Hạ Long, đảo Quan Lạn) hay Thanh Hóa (Pù Luông, Hải Tiến)...
"Việc giá vé máy bay tăng cao là một thách thức với phát triển du lịch nội địa. Bởi giá vé máy bay chiếm 40-60% cấu thành giá tour nên khi giá vé tăng cao thì sẽ đẩy giá tour lên theo. Điều này khiến cho du khách sẽ chuyển hướng, thay vì đi xa bằng máy bay thì họ chuyển sang các điểm đến gần, đi bằng đường bộ, tàu hỏa hoặc phương tiện cá nhân. Nhóm khách hàng này có xu hướng chọn hình thức combo thay vì tour truyền thống trong mùa nghỉ lễ 30/1-1/5 này để dễ dàng trải nghiệm và nhiều gia đình thường thuê homestay nguyên căn quanh Hà Nội," ông Nghĩa thông tin.
Theo khảo sát của Mekong ASEAN, hầu hết các homestay, khách sạn khu vực phía Bắc đều "cháy" phòng dịp lễ 30/4-1/5 tới. Mức giá của homestay, khách sạn ngoại ô Hà Nội như Ninh Bình, Hòa Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh khá phù hợp. Kỳ nghỉ lễ tới, ngay cả khi mức giá phòng khách sạn, homestay có thể tăng khoảng 20-30% những vẫn được nhiều du khách đánh giá là rẻ trong bối cảnh giá vé máy bay nội địa đang rất cao.
Bà Nguyễn Mai Lan, đại diện công ty du lịch Phuong Nam Tourist trên phố Phùng Hưng (Hà Nội) cho biết, khu vực miền Bắc ghi nhận lượng khách đặt phòng dịp lễ 30/4 năm nay tăng cao ở Cát Bà, Vân Đồn, Quảng Ninh, Sầm Sơn, Sa Pa. Trong khi đó, tại miền Nam, Mũi Né và Vũng Tàu là những điểm đến nhận được nhiều quan tâm.
"Kỳ nghỉ 30/4-1/5 năm nay, du khách đi Cửa Lò (Nghệ An) tăng đáng kể so với những năm trước khi khu Vinpearl Cửa Hội đi vào hoạt động, cùng với đó là cao tốc Bắc - Nam đã thông xe. Ngược lại, người dân Nghệ An cũng như các tỉnh miền Trung có nhu cầu du lịch ra các tỉnh phía Bắc như Ninh Bình, Phú Thọ, Hưng Yên, Hoà Bình, Hà Nội… cũng dễ dàng hơn khi di chuyển bằng ô tô trên tuyến cao tốc, vừa chủ động thời gian, tiết kiệm chi phí, đồng thời cũng tạo ra cơ hội phát triển du lịch tại các tỉnh, thành này," bà Lan nói.