Đại diện lãnh đạo UBND thị xã Kinh Môn cho biết, trong thời gian qua, Thị ủy, HĐND, UBND thị xã và người dân Kinh Môn luôn nhận thức rõ người được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình xây dựng nông thôn mới chính là nhân dân, vì vậy mà các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân Kinh Môn đã nỗ lực, chung sức đồng lòng hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đồng thời đẩy mạnh phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Tại thị xã Kinh Môn, cây hành và cây tỏi đã được trồng ở đây từ trước thập kỷ 80. Ban đầu là những diện tích trồng nhỏ lẻ, đến nay đã được trồng hầu hết trên địa bàn thị xã. Hiện thị xã Kinh Môn có khoảng 4.000 ha hành, tỏi. Ảnh: Phùng Nguyện. |
Theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 gồm 19 tiêu chí, 75 chỉ tiêu, trong đó có 18 chỉ tiêu mới so với bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và 26 chỉ tiêu tăng so với bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn trước. Những chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới nâng cao được bổ sung trong giai đoạn 2021 - 2025 nhằm hướng tới xây dựng nông thôn mới theo “chiều sâu" nên cần có nhiều thời gian và nguồn lực đầu tư.
Phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn cho hay, trong xây dựng nông thôn mới ở thị xã thì khó khăn nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy chuẩn, quy định của tiêu chí nông thôn mới. Để thực hiện thành công tiêu chí này, lãnh đạo thị xã đã triển khai theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó, tăng cường vận động người dân hiến đất mở rộng các hệ thống giao thông, cùng với sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng.
Kinh Môn hiện có diện tích trồng sắn dây lớn nhất tỉnh Hải Dương với 262 ha, tổng sản lượng gần 8.000 tấn, bước đầu đã xuất khẩu ra thị trường thế giới. Những năm gần đây, sắn dây trở thành cây trồng chủ lực của người dân thị xã. Ảnh: Phùng Nguyện. |
Để đạt được những kết quả như ngày hôm nay trên địa bàn thị xã, đó là nhờ vào sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng chính quyền, đặc biệt là sự thấu hiểu và tham gia đóng góp của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, để nâng cao thu nhập của người dân, Kinh Môn đã tập trung vào sản xuất, canh tác cây trồng có giá trị cao, đồng thời đưa những sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng vào thị trường và các nhà hàng, siêu thị nhằm tăng tính bền vững.
Đặc biệt, thị xã đã quy hoạch các vùng sản xuất có giá trị kinh tế cao như hành, tỏi Kinh Môn, cam Thất Hùng, Thanh Long ruột đỏ… và giữ vững, mở rộng diện tích nếp cái hoa vàng.
Ngoài ra, thị xã Kinh Môn còn đổi mới cơ cấu sản xuất, đầu tư khoa học công nghệ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản xuất, giá trị ngày công cho người lao động nông nghiệp trên địa bàn thị xã.
Người dân thôn Xạ Sơn, xã Quang Thành (thị xã Kinh Môn) chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, trong đó diện tích nhãn sớm đã được nhân rộng với hơn 15 ha. Ảnh: Văn Học. |
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) - chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, đến nay thị xã Kinh Môn đã có 31 sản phẩm OCOP, trong đó có 11 sản phẩm đạt 4 sao và có 20 sản phẩm đạt 3 sao.
Các sản phẩm sau khi được công nhận tiêu chuẩn OCOP đã giúp việc tiêu thụ được thuận lợi hơn trên thị trường, mang lại giá trị kinh tế cho các chủ thể sản xuất.
Năm 2024, thị xã Kinh Môn phấn đấu có ít nhất 1 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và có 7 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Đến nay, thị xã đã có 12 sản phẩm đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn OCOP. Trong đó có gạo nếp cái hoa vàng Hương Trung (phường Duy Tân) đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn 4 sao.
Các sản phẩm gồm nấm sò Hiệp An, bột sắn dây Đích Sơn, mỳ gạo Thái Thịnh, bánh phở tươi Mạnh Cường, dưa lưới Long Xuyên, thịt tươi Hưng Lụa, chả Hưng Lụa, xúc xích Hưng Lụa, thịt chua Hưng Lụa, thịt gà Hưng Lụa đều đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Một góc nông thôn mới thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Ảnh: Hòa Thanh. |
Thị xã hỗ trợ các xã, phường có sản phẩm đăng ký OCOP và các chủ thể chuẩn hóa, nâng cấp và phát triển sản phẩm OCOP; khảo sát, tư vấn xây dựng hồ sơ, tem bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại... cho một sản phẩm hoàn chỉnh.
Đồng thời, hỗ trợ kinh phí để thực hiện xác lập quyền sở hữu trí tuệ; phối hợp xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại các địa phương; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP năm và thưởng cho các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Theo đại diện Phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn, để thực hiện thành công chương trình OCOP, mỗi chủ thể tham gia cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, hoàn thành tốt vai trò của mình, tổ chức quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm theo đúng bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng; tiếp tục nâng cao chất lượng, hình ảnh sản phẩm…