Khối ngoại đã mua ròng lũy kế trên 33.000 tỷ đồng tại TTCK Việt Nam

KHỐI NGOẠI CHỨNG KHOÁN
11:34 - 15/05/2023
Nhà đầu tư nước ngoài là một trong các động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh minh họa
Nhà đầu tư nước ngoài là một trong các động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Từ tháng 11/2022 - thời điểm TTCK Việt Nam rơi về mốc dưới 1.000 điểm, khối ngoại đã trở lại mua ròng mạnh mẽ. Tuy nhiên, hoạt động mua ròng chững lại kể từ thời điểm tháng 3/2023 và bắt đầu có dấu hiệu đảo chiều trong giai đoạn quý 2/2023.

Trong báo cáo nhận định thị trường chứng khoán tuần 15/5-19/5, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đã có cập nhật tình hình dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Theo BSC, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Dòng vốn này thông thường được đánh giá trên các thị trường chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu), các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A).

Với thị trường cổ phiếu, khối ngoại mua ròng mạnh mẽ trở lại kể từ thời điểm tháng 11/2022 và kéo dài cho đến hết quý 1/2023. Tính trong 12 tháng gần nhất, khối ngoại đã mua ròng lũy kế 33.573 tỷ đồng và tập trung trong giai đoạn từ tháng 11/2022 – tháng 1/2023; động lực chính đến từ các ETF ngoại (Fubon, Vaneck, FTSE Vietnam).

Tuy nhiên, hoạt động mua ròng đã chững lại kể từ thời điểm tháng 3/2023 và bắt đầu có dấu hiệu đảo chiều trong giai đoạn quý 2. Trong tháng 4/2023, khối ngoại đã rút ròng 1.474 tỷ đồng trên 3 sàn.

Sự đảo chiều của khối ngoại xuất phát từ một số nguyên nhân, trong đó có sự chậm lại trong việc gia tăng quy mô của ETF Fubon và rút ròng của ETF Vaneck, ETF Diamond.

Bên cạnh đó, bối cảnh vĩ mô thế giới tiếp tục cho thấy sự thiếu chắc chắn khi cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng tại Hoa Kỳ, châu Âu chưa có dấu hiệu chấm dứt, bên cạnh động thái tiếp tục nâng lãi suất điều hành của FED, ECB. Điều này khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn mặc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.

BSC cho biết, ETF Fubon dự kiến sẽ gia tăng thêm 100 triệu USD trong thời gian tới, tuy nhiên tốc độ gia tăng rất chậm trong tháng 4, thậm chí quỹ này còn bị rút ròng nhẹ vào tuần đầu của tháng. Điều này cho thấy động lực khối ngoại đến từ ETF Fubon đang suy yếu, trong khi đó các ETF còn lại chưa cho thấy xu hướng khả quan.

Ở chiều ngược lại các ETF nội (Diamond, E1) đang cho thấy xu hướng rút ròng nhẹ bắt đầu từ tháng/2023. Diễn biến đảo ngược trạng thái ở quy mô lớn của các ETF lớn có thể ảnh hưởng đến thị trường cũng như xu hướng dòng tiền khối ngoại trên thị trường cổ phiếu.

Mới đây, quỹ China Trust Vietnam Opportunity (thuộc CTBC Investment) sẽ huy động vốn lần thứ 5 với giá trị khoảng 5 tỷ Đài tệ (tương đương khoảng 3.824 tỷ đồng). Đây có thể là động lực để khối ngoại quay trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bên cạnh khả năng ETF Fubon giao dịch tích cực trở lại.

BSC nhận định, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống tài chính trong nước, giảm thiểu chi phí vốn thông qua việc đa dạng hóa rủi ro cũng như thúc đẩy cải cách thế chế, tăng cường cơ chế giám sát của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, với đặc tính ra vào rất nhanh của dòng vốn này có thể sẽ khiến hệ thống tài chính dễ bị tổn thương hơn khi phải gặp các cú sốc lớn.

Với quy mô 100 triệu dân cùng nền kinh tế năng động với tiềm năng tăng trưởng cao, hội nhập ngày một sâu rộng với thế giới, Việt Nam được đánh giá sẽ tiếp tục là điểm đến lý tưởng cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Trong trường hợp Việt Nam được MSCI và FTSE xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi, chứng khoán hứa hẹn sẽ có khả năng đón nhận dòng vốn từ 3,5 – 4 tỷ USD từ các quỹ đầu tư chủ động, quỹ ETF.

Nhận định về diễn biến thị trường chứng khoán tuần này, BSC cho biết, VN-Index không giảm trở lại về 1.030 điểm để tạo mô hình 2 đáy mà bật tăng xác lập mô hình tăng điểm morning doji star ngay trong phiên đầu tuần trước. Đà tăng tiếp tục được củng cố khi chỉ số kiểm tra và giữ trên SMA100 trong phiên 9/5 và tiếp tục mở rộng đà tăng trong phiên tiếp theo.

Với vận động giá hiện tại, VN-Index đang đi theo mẫu hình chữ V với giá mục tiêu tại 1.080 điểm trong tuần này. Dù vậy, BSC lưu ý việc VN-Index vẫn đi ngang trong kênh giá 1.050 ± 30 điểm kể từ đầu năm. Hoạt động chốt lãi sẽ diễn ra mạnh tại kênh giá trên của vùng tích lũy và kéo chỉ số trở lại mức quân bình nếu không có biến động mang tính đột phá.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.