Khối ngoại ‘đón sóng’ cổ phiếu thép khi doanh nghiệp trở lại đường đua tăng trưởng

HÒA PHÁT Hoa Sen
22:12 - 02/05/2023
Ngành thép rục rịch hồi phục sau giai đoạn khó khăn. Ảnh: HPG
Ngành thép rục rịch hồi phục sau giai đoạn khó khăn. Ảnh: HPG
0:00 / 0:00
0:00
Sau thời gian dài bị “ghẻ lạnh”, cổ phiếu ngành thép đã nhận lại lực cầu từ khối ngoại trong 4 tháng đầu năm nay, riêng HPG được gom vào gần 2.700 tỷ đồng.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường chứng khoán Việt Nam đạt xấp xỉ 933.600 tỷ đồng, tương ứng với mức bình quân 11.818 tỷ đồng mỗi phiên. So với cùng kỳ năm 2022, thanh khoản thị trường 4 tháng qua giảm tới 60%.

Tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài là 189.568 tỷ đồng, chỉ giảm 35% so với 4 tháng đầu năm ngoái. Do đi xuống chậm hơn nên tỷ trọng giao dịch của khối ngoại so với thanh khoản toàn thị trường tăng từ 6,3% trong 4 tháng đầu 2022 lên 10,2% trong 4 tháng đầu năm nay.

Trong đó, tổng giá trị khối ngoại mua vào là 97.532 tỷ đồng, giá trị bán ra là 92.036 tỷ. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 5.496 tỷ đồng trong 4 tháng vừa qua, trái ngược với giá trị bán ròng 2.541 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, cái tên từng bị bán ròng "không thương tiếc" trong thời gian dài trước đó là cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát lại trở thành tâm điểm mua ròng của khối ngoại, với 2.678 tỷ đồng.

Trong những năm trước, HPG vẫn được biết đến là cái tên quen thuộc trong danh sách các cổ phiếu bị xả mạnh bởi nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt trong năm 2021, cổ phiếu đầu ngành thép bị bán ròng gần 19.000 tỷ đồng. Xu hướng này kéo dài cho đến quá nửa đầu năm 2022 trước khi có dấu hiệu đảo chiều.

Một cổ phiếu ngành thép khác là HSG của Tập đoàn Hoa Sen cũng bất ngờ lọt top 3 cổ phiếu được gom mạnh nhất trong 4 tháng đầu năm 2023, với tổng giá trị đạt 900 tỷ đồng.

HPG dẫn đầu chiều mua ròng của khối ngoại trong tháng 4/2023. Nguồn: WiChart

HPG dẫn đầu chiều mua ròng của khối ngoại trong tháng 4/2023. Nguồn: WiChart

Động thái mua ròng mạnh HPG, HSG của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh ngành thép nói chung và Hòa Phát, Hoa Sen nói riêng đang đón nhận một số tín hiệu tích cực sau thời kỳ “thê thảm” như Chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long từng dự báo hồi đầu năm ngoái.

Thực tế, sau 2 quý cuối năm 2022 bết bát, các doanh nghiệp ngành thép đã bắt đầu quay trở lại đường đua tăng trưởng trong quý 1/2023.

Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu quý 1/2023 đạt 26.865 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022 song cải thiện nhẹ so với quý liền trước; lợi nhuận sau thuế hợp nhất ở mức 383 tỷ đồng. Đây được xem là kết quả khả quan sau trong bối cảnh tập đoàn đã lỗ tới gần 3.800 tỷ đồng trong 2 quý trước đó.

Sau 2 quý lỗ tổng cộng hơn 1.500 tỷ đồng, Tập đoàn Hoa Sen cũng đã có lãi trở lại. Quý 2 niên độ tài chính 2022-2023 (1/1/2023 - 31/3/2023), HSG ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 6.981 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ, song lợi nhuận sau thuế đạt 251 tỷ đồng, tăng 7%.

CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH) đạt doanh thu 1.431 tỷ đồng trong quý 1/2023, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế gần 6,3 tỷ đồng, giảm 93%. Biên lợi nhuận gộp tụt lùi từ 7,8% về còn 3,4%. Tuy vậy, so với khoản lỗ đậm 114 tỷ đồng trong quý 4/2022, lợi nhuận sau thuế của TLH đã dương trở lại.

Tương tự, nhờ vào sự phục hồi của giá thép, sự chủ động của công ty trong việc duy trì mức tồn kho hợp lý... kết quả kinh doanh trong quý 1/2023 của CTCP Đầu tư thương mại SMC (mã SMC) đã tích cực hơn so với quý liền kề.

SMC lãi ròng gần 21 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ năm 2022. Trước đó vào năm 2022, công ty đã lỗ liên tiếp hai quý cuối năm với quý 4 lỗ kỷ lục lên hơn 500 tỷ đồng.

Thép Nam Kim (NKG) dù chưa thể chuyển lãi nhưng khoản lỗ đã thu hẹp đáng kể. Quý 1/2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần 4.375 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 138 tỷ đồng, giảm tương ứng 39% và 86% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận gộp của HSG đã dương trở lại sau 2 quý âm liên tiếp. Điểm sáng khác là chi phí bán hàng giảm mạnh 72%, xuống còn 83 tỷ đồng.

Do vẫn còn gánh nhiều khoản chi phí nên Thép Nam Kim lỗ ròng 49 tỷ đồng trong quý 1/2023. Dù vậy, kết quả này khả quan hơn khoản lỗ gần 800 tỷ đồng 2 quý liền trước.

Thép Nam Kim đánh giá giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua và kỳ vọng có lãi trở lại trong quý 2/2023. Điều giúp ban lãnh đạo công ty tự tin có lãi trở lại là giá hàng tồn kho bình quân đã về mức thấp, khoảng 640 USD/tấn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
MWG không đáp ứng yêu cầu của rổ chỉ số VNDiamond khi kết quả kinh doanh xuống đáy.

MWG bị loại khỏi VNDiamond

Sở Giao dịch Chứng khoán khoán TP HCM (HoSE) vừa công bố thành phần chỉ số VNDiamond kỳ tháng 4/2023. Theo đó, MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động là trường hợp bị loại.