Giao dịch nhóm vốn hoá lớn phiên 24/1. |
Phiên giao dịch cuối cùng của năm Âm lịch 2024, thị trường chứng khoán không làm nhà đầu tư lo lắng. VN-Index kết phiên tăng hơn 5 điểm lên mốc 1.265,05 điểm. HNX-Index và UPCoM cũng đều đóng cửa trong sắc xanh.
Thanh khoản không có nhiều đột biến, với hơn 12.000 tỷ đồng giao dịch trên kênh khớp lệnh. Trong đó, khối ngoại chiếm gần 4.000 tỷ đồng và mua ròng phiên thứ hai liên tiếp. Giá trị mua ròng đạt hơn 600 tỷ đồng trên sàn HoSE. Dẫn đầu chiều mua ròng là LPB với 235 tỷ đồng, kế đến là MSN 144 tỷ đồng, PC1 71 tỷ đồng; GMD, HDB trên 50 tỷ đồng; SSI 44 tỷ đồng, PDR 40 tỷ đồng; DXG, VCB, VIX trên 20 tỷ đồng...
Chiều ngược lại, FPT bị bán ròng mạnh nhất 177 tỷ đồng, tiếp theo là FRT 55 tỷ đồng, VRE 38 tỷ đồng; CTR, BMP, HAH hơn 10 tỷ đồng...
VN30 cũng tăng hơn 5 điểm lên mốc 1.337,59 điểm. Đóng góp tích cực nhất là MSN với mức tăng gần 4%, về lại giá 68.000 đồng/cp. Sau giai đoạn lao dốc từ giữa tháng 10/2024 đến giữa tháng 1/2025, cổ phiếu của Masan đã bắt đầu phục hồi.
Ngoài ra tăng đáng kể trong nhóm VN30 còn có BCM +1,9%, MWG +1,5%, GAS +1,3%, GVR +1,2%, HDB +1,1%. Các mã còn lại đa số tăng nhẹ hoặc đứng tham chiếu. Chiều giảm có CTG, FPT, HPG, PLX, SAB nhưng mức giảm không đáng kể.
Xét về nhóm ngành thì nhóm ngân hàng có đóng góp tích cực nhất cho chiều tăng của chỉ số. Hầu hết các mã đều kết phiên trong sắc xanh, với một số mã nhỏ đón nhận dòng tiền mua mới mạnh hơn như SGB +4,8%, NAB +3,1%, OCB +2,8%, KLB +2,7%, BVB +2,5%, BAB +1,7%. LPB với sự hỗ trợ từ dòng tiền ngoại tiếp tục tăng 1,6% lên mức đỉnh mới 35.850 đồng/cp. Cổ phiếu này diễn biến tích cực sau thông tin sẽ vào rổ chỉ số VN30.
Chiều giảm trong nhóm ngân hàng chỉ có NVB -1,1%, VBB -1,1%, CTG giảm nhẹ.
Nhóm chứng khoán phân hoá hơn. Chiều tăng đáng kể có VIX +3,2%, IVS +6,7%, BMS +2,7%, CSI +2,2%, ABW +2,4%... Chiều giảm có BVS -2%, APS -1,7%, EVS -1,8%, ORS -1,8%, PSI -1,3%, DSC -1%; AGR, CTS, HCM, VCI giảm nhẹ. Nhiều mã đứng tham chiếu, gồm VND, SHS.
Nhóm bất động sản cũng phân hoá. NLG của Nam Long tăng mạnh 6,6% sau khi công ty công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2024 với lợi nhuận đạt 1.327 tỷ đồng, tăng 175% so với quý 4/2023, đồng thời cao gấp 24 lần khoản lãi 55 tỷ đồng đạt được trong 3 quý đầu năm 2024.
Một số mã khác trong nhóm cũng thu hút dòng tiền quan tâm như TDC tăng trần, TCH + 5,6%, PDR +2,7%, NVL +2,3%, QCG +3%, BCM +1,9%... Ngược lại, DIG giảm mạnh 2,8%, lùi về giá 17.700 đồng/cp - thấp nhất kể từ tháng 4/2023. KBC cũng giảm 1,4%, NTC -1,9%, TIG -2,3%, NRC -2,2%; VPI, HDC, SZC, SIP, HPX, DTD... giảm nhẹ. VIC, VHM, CEO... đứng tham chiếu.
Tại các nhóm ngành khác, đáng chú ý có bộ đôi “họ Gelex” là GEX và GEE cùng tăng trần. Tập đoàn Gelex cũng mới công bố kết quả kinh doanh năm 2024 với tổng doanh thu hợp nhất 33.759 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.616 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 159% so với năm trước.