‘Không có chuyện tràn lan gà thải loại vào Việt Nam’

Thịt Nhập khẩu
11:53 - 22/05/2023
Cục Thú y sẽ rà soát lại tiêu chuẩn nhập khẩu từ các nước đang nhập khẩu cao như Brazil, Hàn Quốc. Ảnh minh họa.
Cục Thú y sẽ rà soát lại tiêu chuẩn nhập khẩu từ các nước đang nhập khẩu cao như Brazil, Hàn Quốc. Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) khẳng định, việc đàm phán, kiểm định nhập khẩu các sản phẩm thịt gia cầm được thực hiện chặt chẽ, nhưng cũng không thể quá phân biệt vì cần tuân thủ quy định WTO.

“Mỗi sản phẩm động vật vào Việt Nam tối thiểu cần 4-5 năm mới được hoàn tất quy trình kiểm định và đưa đến tay người tiêu dùng. Cục Thú y cần thẩm định các hồ sơ dịch bệnh cũng như giám sát quá trình an toàn thực phẩm ở nước xuất khẩu. Do đó, việc thông tin sản phẩm thịt gà thải loại, không đảm bảo chất lượng nhập khẩu vào Việt Nam là chưa phù hợp”, Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y khẳng định trước thông tin gà thải loại tràn vào Việt Nam.

Tại buổi thông tin báo chí, ngày 21/5 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã yêu cầu Cục Thú y làm rõ thông tin về hiện tượng gà thải loại, không đảm bảo chất lượng xuất hiện tràn lan trên thị trường.

Thông tin về sự việc này, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y khẳng định, bất cứ sản phẩm nào khi được nhập khẩu vào Việt Nam đều được đảm bảo quy trình qua 5 bước đánh giá, đàm phán.

Bà Thủy cũng cho biết, Việt Nam hiện là thành viên của WTO nên không thể có sự phân biệt đối xử trong các sản phẩm nhập khẩu.

“Các loại gia cầm ở Việt Nam sau khi đẻ trứng một thời gian vẫn có thể đưa ra thị trường làm thức ăn, thì trong khi đàm phán các sản phẩm thịt gà của nước khác cũng không thể nói rằng: Gà loại thải này của nước bạn không thể sử dụng tại Việt Nam”, cần có cách nhìn nhận công bằng hơn”, bà Nguyễn Thu Thủy nói.

Theo đại diện Cục Thú y, mọi hoạt động liên quan đến xuất nhập khẩu, trong đó có các sản phẩm thịt và phụ phẩm đều tuân theo nguyên tắc thị trường. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam rất minh bạch. Hiện có 29 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được cấp phép xuất khẩu thịt động vật sang Việt Nam.

Cục này cho biết, khi nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, Việt Nam đều có các quy định rất chặt chẽ, kiểm định an toàn thực phẩm.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng NN&PTNT, trong thời gian tới, Cục Thú y sẽ rà soát lại tiêu chuẩn nhập khẩu từ các nước đang nhập khẩu cao như Brazil, Hàn Quốc.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Thú y cũng chia sẻ một bất cập, theo quy định WTO, phải giảm tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm về các dư lượng cho phép xuống 95% tức là 100 lô chỉ được kiểm tra 5 lô.

Trong 2 năm qua, Cục này cho biết đã tiến hành kiểm tra không phát hiện được gì. Việt Nam khi tham gia WTO, các quy định áp dụng với sản phẩm nhập khẩu cũng sẽ được áp dụng với chính các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với việc nhập lậu thịt gia cầm qua đường mòn lối mở, bà Thủy cho biết, Cục đã tăng cường tham mưu đối với công tác kiểm soát. Theo báo cáo của các Chi cục kiểm dịch, phối hợp với các cơ quan liên ngành, từ đầu năm đến giờ, đã phát hiện hơn 4.000 tấn là chân gà, còn hơn 400 tấn là giống gà thịt.

Vào đầu tháng 5, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm đã có các đơn kiến nghị gửi Bộ NN&PTNT, Chính phủ về tình hình khó khăn ngành chăn nuôi. Hiệp hội này cho biết, có tình trạng gà loại thải của Thái Lan vận chuyển đường bộ qua Lào vào Việt Nam số lượng khá lớn. Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật nhập khẩu vào Việt Nam đạt 407 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ 2022.

Trước tình hình đó, ngày 18/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ra công điện hỏa tốc chiều về ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp