Kịch bản nào cho xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam 2023?

Dệt May vinatex
20:41 - 23/01/2023
Kịch bản nào cho xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam 2023?
0:00 / 0:00
0:00
Trao đổi với Mekong ASEAN, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, ngành dệt may và Vinatex vừa trải qua một năm 2022 nhiều cung bậc cảm xúc trái ngược, với nhiều biến động của thị trường.

Năm 2022 có thể được mô tả như một năm "đầu xuôi đuôi chưa lọt" đối với ngành dệt may. Bắt đầu hứng khởi đầu năm nhưng từ giai đoạn quý III/2022 trở đi, nhiều doanh nghiệp dệt may đã rơi vào trạng thái thiếu đơn hàng, thừa lao động.

Ngay từ đầu năm 2022, Vinatex đã đưa ra các dự báo sớm về khó khăn sẽ tới trong nửa cuối năm, nhưng trước những tình huống khó lường của thị trường, các doanh nghiệp vẫn bị bất ngờ, ông Hiếu chia sẻ.

"Từ tháng 8/2022, thị trường đã có dấu hiệu xấu đi và từ tháng 9, thị trường dệt may đã đổi chiều đi xuống. Trong những tháng đầu quý IV/2022, các doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn khi thị trường sợi gần như không có thanh khoản. Thị trường may toàn cầu giảm mạnh, thông tin báo lỗ từ các đơn vị liên tục được đưa về, đặc biệt là các đơn vị sợi. Điều này phần nào khiến kết quả hoạt động của một số đơn vị trong tập đoàn chững lại", Tổng giám đốc Vinatex cho biết.

Tuy vậy, kết quả kinh doanh của Vinatex năm 2022 vẫn tăng trưởng vượt kế hoạch.

Kịch bản nào cho xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam 2023? ảnh 1Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, Vinatex vẫn đạt các chỉ tiêu về hoạt động sản xuất kinh doanh với doanh thu hợp nhất ước đạt 19.535 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch tăng 15% cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.090 tỷ đồng, đạt 115% kế hoạch, tương đương 75% năm 2021. Riêng tại Công ty mẹ, doanh thu ước đạt 2.158 tỷ đồng, đạt 123% kế hoạch, tăng 32% cùng kỳ. Lợi nhuận ước đạt 336 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch, tăng 8% so với năm 2021.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex

Nhận định về những khó khăn

Chia sẻ về những kế hoạch của ngành dệt may năm 2023, ông Cao Hữu Hiếu cho biết, ngay từ thời điểm đầu năm đã có thể thấy rõ những khó khăn của toàn ngành trong thời gian tới.

Theo ông Hiếu, thị trường dệt may toàn cầu, theo tất cả các kịch bản, đều có tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn nhiều những năm qua. Dự báo tổng cầu dệt may thế giới năm 2022 khoảng 645 tỷ USD, bằng 90% năm 2021. Tỷ lệ tăng trưởng năm 2023 dao động từ 2,5% (kịch bản suy thoái) đến 4% (kịch bản cơ sở).

Các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam đã có dấu hiệu suy giảm từ tháng 10/2022. Ông Hiếu dự báo, cầu dệt may ở các thị trường chính này trong năm 2023 tiếp tục suy giảm hoặc tăng trưởng thấp.

Đối với ngành sợi, từ quý IV/2022, bông bước vào mùa vụ mới với sản lượng tăng nhưng mức tiêu thụ giảm khiến giá bông giảm. Theo đó giá dự kiến dao động trong khoảng 2,1 - 2,3 USD/kg trong quý I/2023.

Nhu cầu sợi và giá bán vẫn ở mức thấp, sợi tồn kho nhiều làm tăng chi phí lưu kho, dòng vốn lưu động bị tắc nghẽn, đồng thời cũng tăng áp lực làm giảm giá bán sợi.

Trong khi đó tại ngành may, năm 2022 đặc biệt khó khăn, đa số các đơn vị ở tình trạng non tải từ 35% đến 50%, đơn hàng cũng cạnh tranh gay gắt về giá. Đối với năm 2023, dự báo ngành dệt may vẫn chịu áp lực giảm đơn hàng trung bình từ 25% - 27% do sức mua toàn cầu giảm, đại diện Vinatex cho biết.

3 kịch bản xuất khẩu đối với ngành dệt may

Từ thực tế các thị trường xuất khẩu chủ đạo của ngành dệt may, Vinatex đã đưa ra 3 kịch bản chủ đạo cho năm 2023 gồm kịch bản xấu, kịch bản khả thi và kịch bản tốt nhất.

Theo đó, ở kịch bản thứ nhất, Vinatex dự đoán trong điều kiện diễn biến xấu, kinh tế thế giới đi vào suy thoái, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 có thể còn thấp hơn năm 2022, khoảng 5%.

Đối với kịch bản khả thi, Vinatex cho biết, nếu đến quý III/2023, các yếu tố bất định về giảm lạm phát, lãi suất vẫn chưa đứng lại hay giảm xuống thì có khả năng kim ngạch xuất khẩu sẽ duy trì ngang với năm 2022.

Cuối cùng, kịch bản tốt nhất xảy ra nếu đến hết quý II/2022, về cơ bản kinh tế thế giới về mặt vĩ mô ổn định, xung đột địa chính trị cũng kết thúc. Khi đó ngành dệt may sẽ có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 4% - 5% so với năm 2022, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định.

Kịch bản nào cho xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam 2023? ảnh 2

Về diễn biến của thị trường, sẽ không có một kịch bản nào chung vì mỗi đơn vị đều có khách hàng, thị trường riêng. Tuy nhiên, Vinatex luôn sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện để các đơn vị cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn. Quan trọng là các doanh nghiệp chủ động nắm bắt thông tin, diễn biến của thị trường để linh hoạt vận hành hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo thích ứng với điều kiện mới

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex

Riêng đối với Vinatex, trong năm 2023 trên cơ sở kịch bản thị trường tốt, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, tập đoàn đặt ra kế hoạch doanh thu hợp nhất là 19.550 tỷ đồng, bằng 100,1% so với cùng kỳ; Lợi nhuận trước thuế là 935 tỷ đồng bằng 85,8% so với 2022.

Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, Tổng giám đốc Vinatex đã xác định 4 nhóm giải pháp bao gồm: Hình thành chuỗi sản xuất dệt kim trọn gói bằng việc xác định sản phẩm chủ lực, thích hợp nhất tại thời điểm này để từng bước hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín. Tăng cường chức năng điều phối, kết nối giữa các Ban SXKD với nhau.

Phát triển sản xuất xanh, tăng cường đầu tư công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng, giảm sử dụng hóa chất, giảm phát thải. Sử dụng tối đa năng lượng tái tạo và đẩy mạnh sản xuất sản phẩm tái chế, sử dụng nguồn nguyên liệu xanh, sạch. Cập nhật để đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội.

Thực hiện thành công công tác chuyển đổi số với ưu tiên chuyển đổi số cho hoạt động cốt lõi, trên cơ sở nguồn lực hợp lý.

Cuối cùng là phát triển nguồn nhân lực chất lượng với mục tiêu làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, đánh giá cán bộ. Tăng cường đào tạo lại, đào tạo bổ sung và kiểm soát tốt việc ứng dụng sau đào tạo.

Tin liên quan

Đọc tiếp