Kích hoạt ngành điện gió ngoài khơi Việt Nam bằng cơ chế phát triển nhanh

NĂNG LƯỢNG ĐGNK
10:50 - 17/03/2023
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam nên cho phép triển khai một vài dự án thí điểm cơ chế phát triển nhanh theo từng giai đoạn để kích hoạt ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi như đường bờ biển dài, nguồn gió dồi dào và vùng đáy biển tương đối nông phù hợp cho việc dựng hệ thống móng cố định.

Việt Nam cũng có chuỗi cung ứng được thiết lập tốt, có thể sử dụng gần như ngay lập tức hoặc chuyển đổi nhanh chóng để hỗ trợ thực hiện nhiều công đoạn trong quá trình xây dựng hoặc thiết lập hệ thống hạ tầng cần thiết khi phát triển xây dựng một trang trại điện gió ngoài khơi.

Với khả năng cung cấp một lượng điện sạch khổng lồ với mức giá hấp dẫn, đồng thời tạo ra nhiều việc làm mới và thu hút đầu tư, điện gió ngoài khơi sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong cơ cấu năng lượng tương lai của Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Cùng với những nhận định trên, phát biểu tại Hội thảo “Thúc đẩy phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và các gợi ý chính sách”, do Ban Kinh tế Trung ương và Đại sứ quán Đan Mạch phối hợp tổ chức ngày 16/3, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: “Hội nghị lần thứ VI Ban chấp hành TW Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 29 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã xác định, cần có lộ trình phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển của đất nước trên cơ sở đánh giá tổng thể về lợi ích và chi phí của nền kinh tế.

Đồng thời xác định, ngành công nghiệp năng lượng là một trong sáu ngành công nghiệp nền tảng cần được ưu tiên chú trọng phát triển, nhất là ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Như vậy, phát triển điện gió ngoài khơi đã được Việt Nam xác định là giải pháp có tính đột phá trong chuyển dịch năng lượng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz khẳng định Đan Mạch luôn ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài việc Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng xanh và bền vững.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz khẳng định Đan Mạch luôn ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài việc Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng xanh và bền vững.

Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz nhận định thêm, điện gió ngoài khơi (ĐGNK) là cơ hội kép tuyệt vời cho Việt Nam, cơ hội để cung cấp một nguồn năng lượng xanh với chi phí hiệu quả cho sự phát triển kinh tế của đất nước, đồng thời hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết tại Hội nghị COP26 đối với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

"Là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài việc Việt Nam chuyển đổi sang ngành năng lượng xanh và bền vững, Đan Mạch mong đợi Chính phủ Việt Nam sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng và nhất quán, điều cần thiết cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, bắt đầu bằng việc phê duyệt Quy hoạch Điện VIII (QHĐ8) và quyền khảo sát ngoài khơi độc quyền”, ông Nicolai Prytz nhấn mạnh.

Lộ trình xây dựng chính sách để phát triển điện gió ngoài khơi

Một trong những vấn đề được quan tâm tại hội thảo nói trên là về lộ trình kế hoạch triển khai QHĐ8 và quan trọng nhất là triển khai ĐGNK sau khi quy hoạch này được thông qua.

Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: “Sau khi QHĐ8 được phê duyệt, việc triển khai QHĐ8 nói chung và ĐGNK nói riêng sẽ thực hiện theo trình tự quy định tại Luật Quy hoạch.

Ngoài ra, để giúp cho việc phát triển ĐGNK thì đồng thời cũng cần phê duyệt Quy hoạch không gian biển (QHKGB), quy hoạch này đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ. Trong QHKGB sẽ bao gồm tích hợp cả quy định về ĐGNK và những khu vực cho phép phát triển ĐGNK”.

Ông Hùng còn cho biết, ngoài ra một số vấn đề khác cũng cần được xem xét, đó là việc hiện Chính phủ chưa có quy định cụ thể giao cho cơ quan có thẩm quyền nào quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư. ĐGNK có một số tiêu chí khác với dự án điện gió trên bờ, gần bờ, do đó cần có quy định hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư.

Bước tiếp theo của lộ trình, nhà đầu tư được lựa chọn sẽ lập Báo cáo tiền khả thi, đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN. Trường hợp dự án ĐGNK có mục đích kinh doanh bán điện, phát điện lên lưới điện của EVN, Bộ Công Thương sẽ phải ban hành khung giá bán điện cho loại hình ĐGNK....

Bà Vũ Bình Lê – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bà Vũ Bình Lê – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Một vấn đề khác trong quá trình hình thành chính sách cho ngành năng lượng tái tạo là lựa chọn cơ chế đầu tư. Theo bà Vũ Bình Lê – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị định 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020, Điều 16 có quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, cơ quan quản lý ngành sẽ đưa ra các tiêu chí và hướng dẫn các tiêu chí. “Trong trường hợp này, cơ quan quản lý ngành là Bộ Công Thương”, bà Lê nêu.

Cũng theo bà Lê, đấu thầu chỉ là 1 khâu trong cả quá trình từ hình thành, phát triển dự án, cho đến khi nhà đầu tư thực hiện các hoạt động kinh doanh và thu hồi vốn, lợi nhuận. Phải có đủ đầu bài về nhu cầu phát triển, vị trí thực hiện tại khu vực nào, cấp thẩm quyền nào sẽ quyết định chủ trương đầu tư (hiện đang có 3 cấp quyết định chủ trương đầu tư là UBND tỉnh, Chính phủ và Quốc hội),… đó chính là đầu bài cho khâu đấu thầu, rồi mới tính đến bước tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư. “Phải xác định được mục tiêu sau đó các chính sách sẽ chạy theo”, bà Lê giải thích.

Về tiến độ xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi), bà Lê cho biết, hiện Luật này đã tiến hành đến kỳ thứ 2 trong chương trình thực hiện và đang được Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm tra. Luật Đấu thầu là luật thủ tục, luật quy trình. Trong Luật Đấu thầu có quy định rõ quy trình đấu thầu 1 giai đoạn, đấu thầu 2 giai đoạn… Do đó, cần xác định việc phát triển ĐGNK theo mô hình 1 giai đoạn hay 2 giai đoạn thì Luật Đấu thầu có thể giải quyết được.

Những vấn đề về mô hình phát triển ĐGNK ở Việt Nam, ông Trương Đức Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: “Việt Nam sẽ phát triển ĐGNK theo 2 giai đoạn và độc quyền khảo sát”.

Mô hình 1 giai đoạn khó thực hiện vì điều kiện không cho phép. Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đều được tham gia khảo sát không gian biển nhưng 1 không gian biển chỉ cấp phép cho 1 nhà đầu tư khảo sát.

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển đã giải quyết được các khoảng trống về pháp lý như: quy định thời gian cụ thể phải báo cáo kết quả khảo sát, hay quy định rõ hồ sơ thủ tục cấp phép khảo sát, quy trình cấp phép khảo sát… Ông Trí cho biết thêm, hiện dự thảo Nghị định này đang được Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt kỹ thuật, ông Trí đề nghị Bộ Công Thương cần có hướng dẫn về quy mô, công suất, diện tích vùng biển cho phép tiến hành khảo sát. "Tính đến thời điểm này, nhu cầu của các nhà phát triển ĐGNK là 100GW trong khi dự thảo QHĐ8 chỉ cho phép 7GW. Do đó, Bộ Công Thương cần đưa ra phương án thực hiện, quy định cụ thể công suất tối đa đối với mỗi dự án, diện tích vùng biển phải có tiêu chí rõ ràng để Bộ Tài nguyên và Môi trường có căn cứ cấp phép diện tích khảo sát".

Cơ chế phát triển nhanh sẽ phù hợp ở giai đoạn đầu phát triển thị trường ĐGNK

Một trong những khuyến nghị chính trong Báo cáo "Lộ trình phát triển ĐGNK tại Việt Nam" của Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới, phát hành tháng 6/2021, là Chính phủ Việt Nam nên cho phép triển khai một vài dự án thí điểm trên quy mô lớn theo giai đoạn để kích hoạt ngành công nghiệp này.

Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch nhóm công tác Đông Nam Á – Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TTXVN.

Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch nhóm công tác Đông Nam Á – Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TTXVN.

Theo ông Mark Hutchinson, Chủ tịch nhóm công tác Đông Nam Á – Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC), sau khi có lộ trình phát triển ĐGNK rõ ràng, sẽ cần thêm 6-8 năm để các dự án bắt đầu đi vào vận hành thương mại. Hiện nay có 2 phương án chính để khởi động ngành công nghiệp ĐGNK, đó là cơ chế phát triển nhanh phương án phát triển cơ sở (đấu thầu).

“Theo kinh nghiệm ở hầu hết các quốc gia, cơ chế đấu thầu sẽ mất nhiều năm để phát triển do đặc thù phức tạp. Giai đoạn đầu phát triển thị trường ĐGNK thường không áp dụng cơ chế đấu thầu ngay lập tức trong bối cảnh các chính sách, cơ chế chưa được định hình và triển khai đầy đủ”, ông Hutchinson chia sẻ.

Ở Việt Nam hiện đang có một số rào cản pháp lý cần điều chỉnh như Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư cần được sửa đổi, hay việc ĐGNK cần được tích hợp vào Luật Điện lực... những rào cản này có thể phải đến sau năm 2025 mới giải quyết được.

Để đạt 7GW ĐGNK vào năm 2030, thách thức về mặt thời gian là rất lớn. Trước hết Chính phủ cần phê duyệt lộ trình chính sách cho ĐGNK. Ông Hutchinson khuyến nghị: “Áp dụng cơ chế phát triển nhanh để lựa chọn 4GW thí điểm đầu tiên vào năm 2030 – 2031.

Cơ chế phát triển nhanh không nên phụ thuộc vào QHKGB (hiện vẫn được nghiên cứu, phát triển) mà cần chọn một số khu vực dự án nhất định vì lý do chiến lược, chẳng hạn như các dự án ở phía Bắc”.

Lý giải thêm, ông Mark Hutchinson cho biết, cơ chế phát triển nhanh là chọn một dự án thí điểm quy mô lớn hoặc áp dụng một nhóm các cơ chế đặc biệt dành cho một lượng công suất nhất định để các dự án phát triển theo quy trình rút ngắn hơn thông thường.

Cơ chế này sẽ giúp hỗ trợ cho các dự án được triển khai nhanh chóng để giải quyết các rào cản về chính sách, đạt được quy mô triển khai đủ lớn để giảm chi phí sản xuất điện quy dẫn.

Đồng thời, các dự án cũng không phải chờ đợi trong lúc QHKGB, quy trình cho thuê mặt biển, quy trình đấu thầu được nghiên cứu, phát triển và thẩm định. Các quy trình nói trên cần có thời gian và có thể trì hoãn việc triển khai dự án.

Tin liên quan

Đọc tiếp