Đường phố với các tòa nhà đổ nát tại Gaza do các đợt tấn công của quân đội Israel. Ảnh: AP |
Kể từ năm 2007 khi lực lượng Hamas tiếp quản Gaza, khu vực này đã bị bao quanh bởi những bức tường bê tông và hàng rào dây thép gai do Israel áp đặt lệnh phong tỏa trên không, trên bộ và trên biển. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc phong tỏa và các cuộc chiến lặp đi lặp lại với Israel kể từ năm 2008 đã làm suy yếu đáng kể nền kinh tế của vùng đất này, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng yếu kém và sụt giảm mạnh so với Bờ Tây.
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, ngay cả trước khi giao tranh xảy ra ngày 7/10, phần lớn người dân Gaza đã gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận nguồn cung thực phẩm. An ninh lương thực của khu vực này được đánh giá là rất kém do có tới khoảng 80% cư dân buộc phải phụ thuộc vào một số hình thức viện trợ quốc tế.
Theo CNBC trích dẫn ông Marko Papic, đối tác và chiến lược gia trưởng tại Clocktower Group, “nền kinh tế của Gaza phụ thuộc 100% vào hai nguồn thu bao gồm viện trợ nước ngoài và tiếp cận thị trường lao động của Israel”. Với tình hình hiện tại, yếu tố thứ hai “có lẽ sẽ biến mất mãi mãi và người dân tại đây chỉ có thể trông chờ vào viện trợ nước ngoài”.
Sau khi giao tranh diễn ra và Gaza phải hứng chịu nhiều đợt tấn công, nền kinh tế khu vực này đã hoàn toàn trở thành một đống đổ nát. Báo cáo từ Ramallah, Viện nghiên cứu Chính sách Kinh tế Palestine có trụ sở tại Bờ Tây cho biết, tỷ lệ thất nghiệp tại Gaza hiện ở mức gần 100% so với mức thường thấy 40% khi nền kinh tế của khu vực này “ngưng hoạt động” vô thời hạn.
Trong khi đó, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết hơn một tháng sau giao tranh, người dân Gaza đã mất ít nhất 182.000 việc làm, tương đương 61% lực lượng lao động. Israel đã thu hồi hơn 18.000 giấy phép cho người dân Gaza làm việc và sinh sống tại đất nước này cũng như các khu định cư ở Bờ Tây sau vụ tấn công ngày 7/10.
Một cơ quan khác của Liên hợp quốc là Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), đưa ra dự báo rằng tăng trưởng kinh tế của Gaza sẽ bị chậm lại từ 16 đến 19 năm dựa trên đánh giá các chỉ số kinh tế, y tế và giáo dục.
Ngoài thiệt hại về kinh tế và cơ sở hạ tầng, Gaza còn ghi nhận thương vọng về người. Sau cuộc đột kích Israel của Hamas hôm 7/10 khiến 1.200 người đã thiệt mạng, Dải Gaza đã phải hứng chịu các đòn tấn công trả đũa. Kể từ đó, cơ quan y tế Palestine cho biết khoảng 14.000 người Gaza, trong đó khoảng 40% là trẻ em, đã thiệt mạng trong các vụ ném bom của quân đội Israel.
Israel và Hamas hiện đang thực hiện thỏa thuận ngừng bắn trong 4 ngày bắt đầu từ 24/11. Trong khuôn khổ thỏa thuận, nguồn cung cấp thực phẩm, nước uống, thuốc men và nhiên liệu đã bắt đầu được vận chuyển vào Gaza trong khi hai bên cũng tiến hành trao đổi con tin.
Trong ngày 24/11, lực lượng vũ trang Hamas đã tiến hành thả 24 con tin, trong đó bao gồm 13 phụ nữ và trẻ em Israel hầu hết đều ở độ tuổi 70 hoặc 80 và trẻ nhất là một đứa trẻ 2 tuổi, cùng 10 con tin đến từ Thái Lan và một người đến từ Philippines. Về phía Israel, nước này vài giờ sau cũng tiến hành thả 24 phụ nữ Palestine và 15 thanh thiếu niên bị giam giữ trong các nhà tù ở Bờ Tây và Đông Jerusalem.
Tuy nhiên, hy vọng thỏa thuận này có thể làm giảm bớt xung đột và trở thành một thỏa thuận ngừng bắn dài hạn là không cao. Nguyên nhân là do cả Israel và Hamas đều có những tuyên bố nhấn mạnh rằng lệnh ngừng bắn sẽ chỉ là tạm thời.