Trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, Chứng khoán VNDirect nêu loạt yếu tố hỗ trợ tăng trưởng như chính sách tài khóa mở rộng; lãi suất cho vay thấp hơn giúp phục hồi đầu tư tư nhân và tiêu dùng trong nước.
Ngoài ra, quá trình phục hồi của ngành sản xuất tăng tốc nhờ đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại trong bối cảnh hàng tồn kho giảm và áp lực lạm phát hạ nhiệt ở các thị trường phát triển.
Bên cạnh đó, yếu tố hỗ trợ còn đến từ mức nền thấp của cùng kỳ năm 2022 (GDP của Việt Nam chỉ tăng trưởng 5,9% trong quý 4/2022.
VNDirect dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 7% trong quý 4/2023, cải thiện đáng kể so với mức tăng 5,3% trong quý 3/2023.
Kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì xu hướng giảm
Phân tích cụ thể các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng, các chuyên gia nhận định, lãi suất tiền gửi tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong tháng 9/2023. Tính đến ngày 10/10, trung bình lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại đã giảm xuống mức 5,4%/năm, giảm 0,5 điểm % so với cuối tháng 8 và giảm 2,4 điểm% so với cuối năm 2022. Lãi suất tiền gửi đã chạm mức đáy của giai đoạn Covid-19 do thanh khoản hệ thống dư thừa trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu.
Tính đến ngày 29/9, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 6,92% so với đầu năm, cách xa so với mức mục tiêu cả năm 2023 là 14%. Ngoài ra, Chính phủ vẫn đang đẩy mạnh đầu tư công và mở rộng tài khóa, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
"Chúng tôi kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tiếp tục duy trì ở mức hiện tại (trung bình 5,4%/năm cho kỳ hạn 12 tháng) trong những tháng còn lại của năm 2023.
Chúng tôi cũng kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong những tháng cuối năm nay nhờ vào sự giảm nhanh chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây", VNDirect nhận định.
Đầu tư công tăng tốc
Về đầu tư công, các chuyên gia cũng kỳ vọng trong quý 4/2023 Chính phủ sẽ quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công hơn nữa để hoàn thành ít nhất 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công Quốc Hội giao cho năm 2023 với giá trị là 711.684 tỷ đồng.
Hiện VNDirect nhận thấy một số yếu tố hỗ trợ để đẩy nhanh các dự án đầu tư công, bao gồm:
Nợ công thấp tạo dư địa mở rộng chính sách tài khóa nhờ tăng trưởng GDP vững chắc trong giai đoạn 2016-1022 và kiểm soát chi tiêu chặt chẽ, nợ công của Việt Nam đã giảm nhanh qua các năm từ 51% vào cuối năm 2016 xuống còn 38% vào cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với trần nợ công của Việt Nam là 60% GDP.
Mặc dù lạm phát trong nước tăng so với cùng kỳ tuy nhiên lạm phát bình quân vẫn đạt mức mục tiêu của Chính phủ. VNDirect duy trì dự báo lạm phát bình quân năm 2023 của Việt Nam sẽ ở mức 3,3% (với mức sai số +/- 0,2 điểm %), theo đó đáp ứng mục tiêu của Chính phủ là kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4,5% trong năm nay.
"Trong bối cảnh đạt được mục tiêu lạm phát, Chính phủ có thể tiếp tục mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế", VNDirect nhìn nhận.
Bên cạnh đó, theo VNDirect, Chính phủ đã khởi công một số dự án hạ tầng giao thông lớn trong quy hoạch như dự án Đường vành đai 4 Hà Nội, Đường vành đai 3 TP HCM, Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột , Sân bay quốc tế Long Thành.
Vì vậy, nhóm phân tích giữ nguyên dự báo vốn Nhà nước thực hiện năm 2023 tăng trưởng 25% so với số thực hiện thực tế trong năm 2022.
Về xuất khẩu, VNDirect kỳ vọng sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng tốc trong các tháng còn lại của năm 2023 nhờ triển vọng kinh tế của Hoa Kỳ khả quan hơn, hàng tồn kho giảm và áp lực lạm phát giảm ở các nước phát triển.
"Mặc dù kỳ vọng sự phục hồi rõ nét hơn trong quý 4, VNDirect vẫn hạ mức tăng trưởng GDP năm 2023 trong kịch bản cơ sở xuống 5% từ mức dự báo trước đó là 5,5%, chủ yếu là do kết quả thấp hơn kỳ vọng của 9 tháng đầu năm 2023", báo cáo nêu rõ.