Doanh nhân Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Geleximco. |
Nhà máy sản xuất ô tô quy mô tại Thái Bình
Ngày 17/9 vừa qua, Tổng công ty Viglacera đã ký kết thỏa thuận cho thuê lại đất và cơ sở hạ tầng với Tập đoàn Geleximco, mục đích để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Geleximco tại khu công nghiệp Tiền Hải (Thái Bình).
Theo kế hoạch, sau khi thuê, Tập đoàn Geleximco sẽ đầu tư xây dựng nhà máy hiện đại, có đầy đủ các dây chuyền như hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra chất lượng sản phẩm… Nhà máy hướng đến sản xuất dòng xe ô tô nhiên liệu trong tương lai là xe điện và xe pin nhiên liệu. Bên cạnh đó còn sản xuất các linh kiện, phụ tùng ô tô cung cấp cho nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô và các đối tác hướng tới việc xuất khẩu.
Dự án của Geleximco có tổng vốn đầu tư 800 triệu USD, được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự án có vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD, dự kiến được xây dựng từ quý 1 năm 2023, đưa vào hoạt động vào quý 3 năm 2024, sản lượng lắp ráp khoảng 50.000 ô tô/năm, sử dụng khoảng 1.200 lao động.
Trong giai đoạn 2, Geleximco sẽ mở rộng đầu tư nhà máy lắp ráp ô tô với quy mô vốn đầu tư tăng thêm khoảng 500 triệu USD. Việc mở rộng đầu tư giai đoạn này của nhà máy dự kiến đưa vào hoạt động từ năm 2030, sản lượng lắp ráp khoảng 100.000 ô tô/năm, tạo việc làm cho 2.500 - 3.000 lao động.
Vốn chủ sở hữu 14.500 tỷ đồng
Geleximco tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội, ra đời năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng. Năm 2001, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên 50 tỷ đồng, hợp tác với Tập đoàn LILAMA đầu tư dự án Nhà máy Xi măng Thăng Long với tổng mức đầu tư lên tới 350 triệu đô.
Năm 2007, công ty chuyển đổi từ loại hình TNHH sang CTCP và hiện vốn chủ sở hữu đã lên tới 14.500 tỷ đồng. Doanh nghiệp xây dựng mô hình phát triển đa ngành, tập trung vào 4 lĩnh vực chính: Sản xuất công nghiệp; tài chính ngân hàng; bất động sản và thương mại dịch vụ.
Ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các dự án nổi bật của Geleximco là Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long tổng mức đầu tư 900 triệu USD, công suất 620MW; Nhà máy sản xuất xi măng Thăng Long có tổng mức đầu tư 270 triệu USD với công suất 2,3 triệu tấn/năm;
Nhà máy sản xuất bột giấy An Hòa với công suất 130.000 tấn/năm và Nhà máy Giấy An Hòa có công suất 140.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 450 triệu USD. Ngoài ra, Geleximco còn là một trong những cổ đông sáng lập Công ty TNHH Sản xuất Phụ tùng Ô tô Xe máy Honda Việt Nam (VAP), với tổng vốn đầu tư trị giá 90 triệu USD.
Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long. |
Ở lĩnh vực bất động sản, thương hiệu Geleximco được biết đến với các dự án: Khu đô thị Thành phố giao lưu trên đường Phạm Văn Đồng, Khu đô thị Gelexia Riverside, Khu đô thị Lê Trọng Tấn (Hà Nội), Khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh), An Bình Plaza... Khu du lịch quốc tế Dragon Ocean Do Son tại Đồ Sơn - Hải Phòng là dự án trọng điểm của Geleximco đang được đầu tư xây dựng và khai thác song song.
Trên lĩnh vực tài chính ngân hàng, Geleximco là cổ đông sáng lập và đồng sở hữu các đơn vị như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình, CTCP Chứng khoán An Bình, CTCP Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán An Bình, CTCP Tập đoàn Đầu tư tài chính An Bình...
Còn lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tập đoàn sở hữu sân golf Geleximco Hòa Bình – Hilltop Valley Golf Club. Geleximco cho biết sẽ tiếp tục đầu tư những dự án sân golf kết hợp biệt thự nghỉ dưỡng quy mô lớn ở Lào Cai, Hải Phòng…
Doanh nhân "mát tay" gọi vốn nước ngoài
Nhắc đến Geleximco thì không thể không nhắc đến doanh nhân sáng lập tập đoàn Vũ Văn Tiền, người ghi dấu ấn trên thương trường với những thương vụ gọi vốn đầu tư nước ngoài đình đám.
Năm 2012, khi gần 50 nhà máy xi măng trên toàn quốc gặp khó khăn phải rốt ráo tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, Xi măng Thăng Long đã nhận được đầu tư từ Tập đoàn Xi măng lớn nhất Indonesia là Semen Gresik. Đáng chú ý là thương vụ này chỉ triển khai trong thời gian chưa đầy 4 tháng.
Trước đó, năm 2008, khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, chính ông Tiền là người quyết định vào thành công của Ngân hàng An Bình (ABBank) trong việc thu hút Maybank (ngân hàng lớn nhất Malaysia) và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC, thành viên của WorldBank) bỏ vốn vào ABBank để sở hữu 30% cổ phần, mức tối đa dành cho nhà đầu tư nước ngoài.
Vị doanh nhân còn là người tiên phong liên doanh lên đến 30% cổ phần với Honda để thành lập công ty chuyên sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy cung cấp cho các hãng Yamaha, Suzuki, Kawasaki và Honda Việt Nam; lắp ráp xe máy Honda với công suất 400.000 xe/năm.
Xe máy Honda do VAP lắp ráp từng có thời kỳ làm khuynh đảo thị trường cả nước đến mức ông Vũ Văn Tiền có thêm biệt danh thân mật là “Tiền Honda”. Ngoài ra, các Nhà máy Giấy An Hòa, Nhiệt điện Thăng Long… cũng đều có vốn đầu tư từ nước ngoài.
Ông Vũ Văn Tiền từng là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng An Bình từ tháng 4/2008 đến tháng 4/2018. |
Ông Vũ Văn Tiền sinh năm 1959, quê gốc tại Tiền Hải - Thái Bình. Năm 1986, ông bắt đầu làm việc tại Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp. Đến năm 1992, ông quyết định xin nghỉ việc để ra ngoài làm kinh doanh và thành lập Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội.
Ban đầu, công ty chủ yếu buôn bán hàng tiêu dùng, tư liệu sản xuất từ Nga và Đông Âu. Tuy nhiên về sau, khi đã gây dựng được thành quả nhất định, ông đã sớm chủ động xây dựng Geleximco theo mô hình phát triển kinh tế đa ngành, trong đó sản xuất công nghiệp là lĩnh vực ưu tiên. Cũng kể từ thời điểm đó đến nay, ông Vũ Văn Tiền điều hành Geleximco với cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Việc lấn sân sang mảng sản xuất, lắp ráp ô tô tiếp tục khẳng định chiến lược phát triển đa ngành của Geleximco. Đây là ngành đòi hỏi vốn ban đầu lớn nhưng nếu thành công thành quả cũng rất “ngọt ngào”. Đặc biệt là trong bối cảnh mức sống của người Việt Nam đang ngày càng nâng cao, nhu cầu tiêu thụ ô tô lớn. Ngoài ra, mục tiêu phát triển xe điện, xe pin nhiên liệu mà Geleximco hướng tới cũng phù hợp với xu hướng thế giới hiện nay.