Lãnh đạo Techcombank: 'Ngân hàng không có vấn đề gì về bất động sản và trái phiếu đều đảm bảo'

NGÂN HÀNG Việt nAM
12:51 - 23/04/2022
Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh tại Đại hội đồng cổ đông 2022.
Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh tại Đại hội đồng cổ đông 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 23/4, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, trong đó vấn đề được thảo luận sôi nổi nhất chủ yếu xoay quanh việc chia cổ tức và siết tín dụng trong lĩnh vực bất động sản năm nay.

Tiếp tục không chia cổ tức

Phát biểu tại Đại hội cổ đông, ông Jens Lottner - Tổng giám đốc Techcombank thông báo kế hoạch kinh doanh trong năm 2022 tại nhà băng này với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2021. Trả lời câu hỏi của cổ đông về cơ sở cho mục tiêu lợi nhuận tăng năm nay, ông cho biết: "Kế hoạch được đặt ra dựa trên cơ sở hạn mức tín dụng tăng 15% hoặc hơn nếu được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, mức dự kiến đạt tối thiểu 446.554 tỷ đồng vào cuối năm nay".

Bên cạnh đó, thu nhập từ phí và các thu nhập khác cũng như tối ưu hoá chi phí vốn và NIM của nhà băng này cũng đang ở mức khá cao. Trong 2 năm trở lại đây, Techcombank luôn đạt điểm ở cơ sở cao vì CASA và chi phí duy trì vốn ở mức hợp lý.

Về các mục tiêu khác tại Techcombank, mức huy động vốn sẽ được quản lý phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế nhằm tối ưu hoá nguồn vốn huy động. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới mức 1,5% trong năm nay.

Trong năm 2022, Techcombank cũng tiếp tục phương án không chia cổ tức. Trước đó, sau khi trích lập các quỹ, nguồn lợi nhuận chưa phân phối lên tới hơn 40.000 tỷ đồng, nhưng ngân hàng tiếp tục xin cổ đông không chia cổ tức năm 2021 để toàn bộ lợi nhuận phân phối được bổ sung vốn phục vụ kinh doanh.

Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết thêm chi tiết: "Lộ trình chia cổ tức phụ thuộc vào lộ trình phát triển của ngân hàng. Hiện nay ROE tăng trưởng hơn 20%/năm nên khoản đầu tư tại ngân hàng rất tốt. Nếu như ROE thấp hơn 5% thì tôi sẽ đề xuất chia cổ tức để tìm kiếm lợi nhuận ở các kênh đầu tư khác". "Tất cả đều nhằm mang lại lợi ích cho cổ đông, phát hành ra bên ngoài cũng để mang lại lợi nhuận cho cổ đông. Tôi quan trọng tính bền vững, nên dù cổ phiếu không lên giá được nhưng bền và kháng cự tốt thì cả thị trường sẽ hiểu đó là giá trị thật", ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, Techcombank sẽ tiếp tục trình cổ đông kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP), trong đó sẽ phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu TCB với giá 10.000 đồng/ cổ phiếu. Sau phiên giao dịch, vốn điều lệ của ngân hàng đạt 35.172 tỷ đồng, tăng hơn 63 tỷ đồng.

Techcombank không mắc sai phạm gì về bất động sản

Đề cập đến lo ngại kế hoạch tăng trưởng sẽ chịu ảnh hưởng từ việc siết tín dụng bất động sản trong năm nay, Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner cho biết, bất động sản là lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia và trong vòng 5 năm qua, Techcombank không có vấn đề gì liên quan đến việc cho vay bất động sản.

Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner.

Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner.

Do đó, ông tin tưởng Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ thanh lọc thị trường tài chính, bất động sản để mang tới tính minh bạch cho thị trường này.

Ảnh tác giả

Cách chúng tôi quản trị rủi ro với tín dụng bất động sản hay trái phiếu doanh nghiệp đều rất đáng tin cậy. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cuộc làm việc, kiểm toán, thanh kiểm tra Techcombank về lĩnh vực này nhưng đều không phát hiện sai phạm gì. Chúng tôi khẳng định rằng, 5 năm qua Techcombank không có vấn đề gì với cho vay bất động sản

Ông Jens Lottner - Tổng Giám đốc Techcombank

Về vấn đề trái phiếu, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh chia sẻ đây là một trong những thành tố của mô hình kinh doanh năng động trên thị trường Việt Nam. Ông cũng tin vào việc Chính phủ sẽ có động thái làm sạch thị trường vốn, chứng khoán về trung hạn cũng như dài hạn.

Bên cạnh đó ông nhấn mạnh: "Các dự án Techcombank đầu tư đều thuộc các chủ doanh nghiệp uy tín và tôi cũng tự tin với nghiệp vụ phát hành trái phiếu tại ngân hàng mình". Hiện Techcombank cũng là ngân hàng nắm giữ khối lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất hệ thống, với hơn 62.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2021.

Đối với vấn đề rủi ro trong cho vay bất động sản, ông Hồ Hùng Anh cho rằng đây là lĩnh vực có nhiều mảng khác nhau chứ không chỉ riêng các dự án và các khoản vay được thẩm định đầy đủ. Vì vậy, nếu cho vay bất động sản làm cho CAR ảnh hưởng, các tỷ lệ khác tiêu cực thì mới có vấn đề, còn nếu không thì hoạt động này vẫn rất tốt. Đối với các khách hàng có tiềm năng, có dự án tốt thì Techcombank sẽ vẫn tài trợ chứ không hạn chế cho vay bất động sản.

Chủ tịch HĐQT Techcombank còn cho biết thêm: "Techcombank không liên quan gì tới khoản vay của Vạn Thịnh Phát, tuy có nhiều thông tin khác nhau và chúng ta không thể đi giải thích. Tuy nhiên, tất cả đều đã có rất rõ ràng trên giấy tờ". Theo đó, các trái phiếu của Techcombank đều nằm ở những dự án có đầy đủ pháp lý và ngân hàng này khẳng định không cho vay đối với những dự án "treo" hoặc giấy tờ chưa hoàn thiện.

Về tình hình kinh doanh trong quý I/2022, Techcombank vẫn chưa công bố cụ thể con số nhưng ông Hồ Hùng Anh tiết lộ kết quả đã vượt so với kế hoạch đề ra năm 2022.

Ngoài vấn đề kinh doanh, Đại hội cổ đông Techcombank hôm nay cũng thông qua đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 của ông Đỗ Tuấn Anh vì công việc cá nhân và tránh các xung đột lợi ích không cần thiết cho ngân hàng. Trước đó, ông Đỗ Tuấn Anh cũng đã có đơn từ nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank.

Đồng thời, ĐHCĐ cũng đã thông qua kế hoạch chuyển trụ sở chính của Techcombank từ số 191 Bà Triệu hiện nay về số 6 Quang Trung, Hà Nội.

Tin liên quan

Đọc tiếp