Lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

CHÍNH SÁCH Việt nAM
09:26 - 08/10/2022
Lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Nguồn: VGP.
Lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Nguồn: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Xây dựng vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho 2 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ 1, vào kỳ họp tháng 5/2023 tới đây.

Phát biểu tại Hội thảo ngày 7/10, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản ra đời đã tạo ra hành lang pháp lý, thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản và nhà ở trong thời gian qua.

Trong quá trình thực thi, bên cạnh những đóng góp đã đạt được, gần 10 năm qua đi vào cuộc sống Luật đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, sự chồng chéo với các pháp luật liên quan.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh. Nguồn: VGP.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh. Nguồn: VGP.

Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan nhận diện những bất cập và đề xuất những nhóm chính sách. Trên cơ sở những nhóm chính sách này Ban soạn thảo đã dự thảo ra 2 dự thảo gửi lấy ý kiến các bộ ngành, các tổ chức chính trị xã hội và 63 tỉnh, thành trong cả nước. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã tổ chức các hội thảo liên quan tại Hà Nội và TP HCM.

Tham gia ý kiến tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp và hiệp hội bất động sản trình bày các nội dung về việc sở hữu nhà ở và bất động sản đối với các cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài; thời hạn sử dụng và sở hữu nhà chung cư, phát triển dự án nhà ở xã hội, trình tự thủ tục pháp lý đầu tư dự án nhà ở…

Theo ông Nguyễn Ngọc Phương, nguyên Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, thành viên Hội Luật gia Quảng Bình, việc sửa đổi các nhóm chính sách Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản cần tham khảo thêm luật các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, cần có giải pháp xử lý các dự án ảnh hưởng tới môi trường, thu hồi các dự án sai phạm, xử lý đối với người vi phạm pháp luật về nhà ở. Việc sửa đổi luật cần có tính phát hiện các sai phạm khi triển khai, dự báo được quá trình phát triển của xã hội.

Tại hội thảo, các đại biểu đưa ra các phương án chọn lựa được nêu trong dự thảo một cách cụ thể, phân tích rõ những vướng mắc dẫn đến chậm trễ khi triển khai các dự án nhà ở và bất động sản, tạo điều kiện cho người dân có thể mua được chỗ ở với mức giá phù hợp.

Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về giải quyết những điểm chồng chéo, vướng mắc, chưa phù hợp, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và các luật liên quan, qua đó hoàn thiện chính sách về nhà ở, sử dụng hiệu quả quỹ đất, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Liên quan đến thời hạn sở hữu nhà chung cư, ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Giám đốc CTCP Đô thị FPT Đà Nẵng đề nghị giữ nguyên văn bản hiện hành về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Bởi việc xử lý nhà chung cư xuống cấp đã có luật xây dựng.

“Nếu đưa vào thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ ảnh hưởng tâm lý người mua, ảnh hưởng đến chương trình phát triển nhà ở chung cư của Chính phủ. Nhiều tỉnh thành như Đà Nẵng không có quá nhiều đất nên mới phải phát triển nhà chung cư”, ông Lộc cho hay.

Đồng quan điểm, đại diện Tập đoàn Vin Group cho rằng không nên đặt ra quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư bởi điều này liên quan đến chính sách khuyến khích người mua sử dụng nhà chung cư hiện nay.

Ông Nguyễn Minh Thông, Tổng Giám đốc Alphanam tại miền Trung đồng ý với ý kiến của các doanh nghiệp và đặt thêm câu hỏi: “Nếu đưa vào quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư, thì sau luật này những nhà chung cư đã xây dựng và đưa vào sử dụng trước đây sẽ chỉ còn thời hạn 50 năm hay vẫn như cũ là sở hữu lâu dài?”.

Còn ông Trần Khuê, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Khánh Hòa, lại bày tỏ sự lo ngại việc lãng phí khi các công trình chung cư xây mới hiện nay đều được yêu cầu sử dụng kết cấu bê tông vĩnh cửu (99 năm).

“Nếu đưa ra thời hạn khoảng 50 năm thì có bị lãng phí với khối lượng bê tông đã được yêu cầu sử dụng là vĩnh cữu không? Đề nghị giữ nguyên quy định tại luật cũ”, ông Khuê nêu quan điểm.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, kinh nghiệm một số nước trên thế giới gần đây đều đưa vào vấn đề thời hạn sử dụng nhà chung cư, gắn với niên hạn sử dụng chung cư, tuổi thọ công trình. Cơ quan soạn thảo luật nghiêm túc tiếp thu ý kiến các doanh nghiệp và sẽ cân nhắc kỹ lưỡng.

Ông Sinh cho hay, nếu chọn phương án mới thì chỉ áp dụng với những chung cư đầu tư xây dựng sau khi Luật nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực.

Theo đó, 2 dự thảo luật này sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) song song với đổi mới của Luật Đất đai nhằm đảm bảo đồng bộ trong quá trình triển khai.

Tin liên quan

Đọc tiếp