Liên Hợp Quốc tiếp tục bỏ phiếu về nghị quyết ngừng bắn tại Gaza

XUNG ĐỘT Israel - Hamas
18:08 - 25/03/2024
Dù viện trợ được thả tại phía Bắc Gaza ngày 24/3/2024. Ảnh: AP
Dù viện trợ được thả tại phía Bắc Gaza ngày 24/3/2024. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 25/3, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiến hành bỏ phiếu về về một nghị quyết yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở Gaza trong tháng chay Ramadan của người Hồi giáo.

Theo hãng tin AP, nghị quyết do 10 thành viên hội đồng được bầu đưa ra và nhận được sự ủng hộ từ Nga, Trung Quốc và Nhóm Ả Rập gồm 22 quốc gia tại Liên Hợp Quốc. Về mặt chi tiết, nghị quyết “yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức trong tháng Ramadan”, “thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các con tin”, cũng như nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải bảo vệ dân thường và cung cấp viện trợ nhân đạo trên khắp Dải Gaza.

Tháng Ramadan bắt đầu từ ngày 10/3 và kết thúc vào ngày 9/4,đồng nghĩa với việc kể cả khi nghị quyết được thông qua thì yêu cầu ngừng bắn sẽ chỉ kéo dài trong 2 tuần. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết có nhấn mạnh vào việc tạm dừng giao tranh sẽ dẫn đến “một lệnh ngừng bắn bền vững vĩnh viễn”. Cuộc bỏ phiếu ban đầu được lên kế hoạch vào sáng ngày 23/3, tuy nhiên sau đó được dời tới sáng ngày 25/3.

Nhận định về nghị quyết này, Mỹ đưa ra cảnh báo nó có thể ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán nhằm ngăn chặn sự thù địch mà Mỹ, Ai Cập và Qatar đã cố gắng thúc đẩy. Nước này cũng thể hiện thái độ sẽ phủ quyết nghị quyết.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết văn bản của nghị quyết “không hỗ trợ chính sách ngoại giao nhạy cảm trong khu vực và tệ hơn nữa là có khả năng tạo cho Hamas một cái cớ để rút lui khỏi thỏa thuận”. Bà nhấn mạnh: “Chúng ta không nên tiến tới bất kỳ giải pháp nào gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán đang diễn ra”, đồng thời cảnh báo rằng nếu biện pháp ngoại giao không được hỗ trợ, “chúng ta có thể một lần nữa thấy hội đồng này rơi vào bế tắc”.

Trước đó, Mỹ đã phủ quyết 3 nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ở Gaza, với nghị quyết gần đây nhất bị phủ quyết bởi nước này là biện pháp được các quốc gia Ả Rập hậu thuẫn vào ngày 20/2. Nghị quyết đó được 13 thành viên hội đồng ủng hộ với một phiếu trắng, phản ánh sự ủng hộ áp đảo đối với lệnh ngừng bắn.

Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một nghị quyết do Mỹ bảo trợ vào cuối tháng 10/2023 nhằm kêu gọi tạm dừng giao tranh để cung cấp viện trợ, bảo vệ dân thường và ngừng vũ trang cho Hamas với nguyên nhân nó không phản ánh lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu.

Tới ngày 22/3, Nga và Trung Quốc tiếp tục phủ quyết một nghị quyết đưa ra bởi Mỹ với 11 thành viên ủng hộ, 3 thành viên phản đối và một phiếu trắng từ Guyana do “lập lờ”. Cụ thể, ngôn ngữ của dự thảo nghị quyết cho biết Hội đồng Bảo an “xác định sự cấp thiết của một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài” và do đó không phải là một “yêu cầu” hay “kêu gọi” trực diện nhằm ngăn chặn xung đột.

Trước cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho biết Moscow ủng hộ lệnh ngừng bắn ngay lập tức, nhưng ông chỉ trích ngôn ngữ triết học không thuộc về bất kỳ nghị quyết của Liên Hợp Quốc nào và là “kiểu diễn đạt tu từ trống rỗng” trong đề xuất của Mỹ. Ông cáo buộc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield “cố tình đánh lừa cộng đồng quốc tế” về việc kêu gọi ngừng bắn.

Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun cho biết, đề xuất của Mỹ đặt ra các điều kiện tiên quyết và không đạt được kỳ vọng của các thành viên hội đồng cũng như cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn. Ông nhận định: “Nếu Mỹ thực sự nghiêm túc về lệnh ngừng bắn, họ sẽ không phủ quyết hết lần này đến lần khác nhiều nghị quyết của hội đồng và sẽ không đi đường vòng cũng như chơi chữ trong khi tỏ ra mơ hồ và lảng tránh các vấn đề quan trọng”.

Về phía Mỹ, Đại sứ Thomas-Greenfield cáo buộc Nga và Trung Quốc phủ quyết nghị quyết này vì “những lý do hoài nghi”, đặc biệt là khi hai nước này không lên án các cuộc tấn công Hamas vào miền nam Israel ngày 7/10. Bà bổ sung một lý do “nhỏ nhen” khác tới từ việc “Nga và Trung Quốc đơn giản là không muốn bỏ phiếu cho một nghị quyết do Mỹ thúc đẩy bởi vì họ thà thấy chúng ta thất bại còn hơn thấy hội đồng này thành công”.

Đọc tiếp