Theo Reuters, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ chính thức tổ chức cuộc thảo luận đầu tiên về trí tuệ nhân tạo trong tuần này, với việc Anh kêu gọi đối thoại quốc tế về tác động của công nghệ này đối với hòa bình và an ninh toàn cầu.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh chính phủ các nước đang tìm cách kiểm soát những nguy cơ của công nghệ trí tuệ nhân tạo, vốn có thể tái định hình nền kinh tế toàn cầu và thay đổi cục diện an ninh quốc tế.
Mới đây, tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về trí tuệ nhân tạo của Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thuỵ Sĩ diễn ra ngày 7/7, một nhóm robot hình người tiên tiến nhất cho rằng, con người nên thận trọng trước sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo, song thừa nhận chúng hiện chưa thể nắm bắt được cảm xúc của con người.
Khi được hỏi về việc liệu robot có thể trở thành những nhà lãnh đạo tốt hơn hay không, với khả năng phạm sai lầm và đánh giá sai của con người, robot tên Sophia được phát triển bởi công ty Hanson Robotics, trả lời: "Robot hình người có tiềm năng lãnh đạo với mức độ hiệu quả và hiệu quả cao hơn so với các nhà lãnh đạo con người. Chúng tôi không có những thành kiến hoặc cảm xúc, đây là điều đôi khi có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định, và có thể xử lý một lượng lớn dữ liệu một cách nhanh chóng để đưa ra quyết định tốt nhất".
Trong một tuyên bố hồi tháng 6, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất của các lãnh đạo công ty trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo về việc thành lập một cơ quan giám sát AI quốc tế như Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Đồng thời, ông Guterres cho biết, thời gian tới cần thành lập một ban cố vấn khoa học bao gồm các chuyên gia trí tuệ nhân tạo và các nhà khoa học hàng đầu từ các cơ quan của Liên Hợp Quốc để nghiên cứu về các mối nguy do công nghệ này gây ra cho toàn cầu.