Thông tin trên được Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ trong kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành đối với hoạt động của TikTok tại Việt Nam trong buổi họp báo thường kỳ chiều ngày 5/10.
Thời gian qua, hoạt động của nền tảng TikTok có tác động không nhỏ đời sống xã hội tại Việt Nam, trong đó có những hành vi vi phạm pháp luật.
Trên cơ sở đó, ngày 22/5, Đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với 6 bộ, ngành liên quan đã kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam bao gồm văn phòng đại diện TikTok Pte. Ltd tại TP HCM (Văn phòng TikTok) và công ty TNHH công nghệ TikTok Việt Nam (Công ty TikTok Việt Nam).
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, các nội dung kiểm tra bao gồm việc chấp hành các quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội cho người sử dụng tại Việt Nam; việc chấp hành các quy định về quảng cáo; việc bảo vệ bản quyền tác giả và quyền liên quan; việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và việc thực hiện nghĩa vụ về thuế.
Kết quả cho thấy, văn phòng TikTok và công ty TikTok Việt Nam không trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam mà do TikTok Singapore trực tiếp quản lý, vận hành. Dù không phải là đối tượng kiểm tra nhưng TikTok Singapore lại là đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua trang web TikTok.com và ứng dụng TikTok.
Theo ông Lê Quang Tự Do, đối với việc cung cấp dịch vụ mạng xã hội và bảo vệ trẻ em, TikTok đã lưu trữ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam như thông tin giả mạo, kích động tệ nạn xã hội tại các máy chủ phân phối nội dung tại Việt Nam. Dù vậy, quy trình kiểm duyệt nội dung chưa hiệu quả, để lọt nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam được lan truyền nhanh chóng.
Cùng với đó, TikTok không có biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; không gửi các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; không thực hiện việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Nền tảng cũng không tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá phân loại theo mức độ an toàn cho trẻ em và vẫn cho phép trẻ em dưới 13 tuổi mở tài khoản dù thông báo chỉ dành cho người từ 13 tuổi trở lên.
"Tiktok cũng chưa áp dụng chính sách bảo vệ nội dung có bản quyền của người dùng, chưa thông báo đầu mối liên lạc về vấn đề quyền tác giả, quyền liên quan tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và công khai trên trang thông tin điện tử của nền tảng TikTok".
TikTok cần khắc phục ngay các sai phạm về mạng xã hội, quảng cáo
Do đó, đoàn kiểm tra kiến nghị đối với các bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện kết luận kiểm tra và tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam của TikTok Singapore.
Bộ Thông tin và Truyền thông được kiến nghị có biện pháp xử lý buộc TikTok Singapore khắc phục ngay các sai phạm trong việc cung cấp dịch vụ mạng xã hội, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới vào Việt Nam đã được chỉ ra tại kết luận kiểm tra.
Cụ thể, TikTok phải gỡ bỏ 100% các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp để ngăn chặn những nội dung vi phạm đã bị chặn gỡ được đăng tải lại. Nền tảng này phải bổ sung việc tuân thủ pháp luật Việt Nam vào Tiêu chuẩn cộng đồng, có thông báo định kỳ đến tất cả người dùng TikTok về việc phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.
Đồng thời, nghiêm cấm đăng tải các nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam và cảnh báo về các chế tài xử phạt, biện pháp xử lý nếu người dùng đăng tải, chia sẻ nội dung vi phạm pháp luật (tùy theo mức độ vi phạm, tài khoản có thể bị tạm khóa, xóa vĩnh viễn..)
TikTok không được sử dụng thuật toán để tạo xu hướng hoặc đề xuất đến người dùng các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, cấm hoàn toàn quảng cáo chính trị có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Phối hợp cung cấp thông tin để xác minh, điều tra các hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện trên nền tảng TikTok theo quy định.
Thêm vào đó, TikTok buộc triển khai các biện pháp bảo vệ trẻ em theo quy định tại Điều 33, 34, 35, 36, 37 Chương IV về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em.
Trong đó, đặc biệt lưu ý triển khai việc xác thực thông tin tài khoản để phát hiện trường hợp trẻ em khai không đúng độ tuổi sử dụng TikTok, xóa các tài khoản trẻ em dưới 13 tuổi. TikTok cũng phải giới hạn thời gian truy cập, sử dụng TikTok với người dưới 18 tuổi, không cho phép trẻ em kiếm tiền qua TikTok.
Nền tảng này cũng được yêu cầu phải bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ em, khi đăng lên cần có sự đồng ý của trẻ em và cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ trẻ em hoặc video cần phải che mặt, làm mờ hình ảnh trẻ em trước khi đăng lên. TikTok phải cảnh báo về độ tuổi cho các video trên TikTok, kiểm soát chặt chẽ video có nội dung nhảm nhí, độc hại, không phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng ứng dụng dành riêng cho trẻ em tại Việt Nam.
TikTok cũng được yêu cầu cải thiện hệ thống kiểm duyệt nội dung, đặc biệt là với hình thức phát trực tiếp (livestream) để chủ động ngăn chặn nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam trên nền tảng TikTok (bao gồm cả công nghệ, phần mềm, nhân sự, quy trình và các tiêu chí kiểm duyệt). Nền tảng phải có giải pháp cụ thể, hiệu quả làm trong sạch nền tảng của mình, hạn chế tin giả, tin xấu độc.
Các pháp nhân của TikTok tại Việt Nam phải được ủy quyền kiểm soát nội dung trên nền tảng TikTok tại Việt Nam để xử lý hiệu quả các yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước.
Ngoài ra, TikTok cần có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan có liên quan để quản lý các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok nhằm định hướng xây dựng, lan tỏa những nội dung sạch, tham gia các hoạt động truyền thông chính sách do cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức, các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội, đem lại lợi ích cho cộng đồng.
Về phía TikTok, ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc chính sách TikTok Việt Nam cho biết, nền tảng cam kết tuân thủ các quy định pháp luật ở địa phương. TikTok sẽ phối hợp chặt chẽ không chỉ với Bộ Thông tin và Truyền thông mà các Bộ ngành liên quan để thực hiện tốt kết luận của đoàn kiểm tra. Song song với đó là trách nhiệm bảo vệ an toàn của người dùng trên nền tảng.
Đối với việc lừa đảo trên không gian mạng và tin giả, trong tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến triển khai từ ngày 23/6 - 23/7 vừa qua, TikTok đã chủ động tìm hiểu, phối hợp với Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông để truyền thông về các kiến thức cho người dùng trên nền tảng này biết cách tránh việc lừa đảo.
Các bộ ngành sẽ tăng cường quản lý hoạt động của TikTok
Trong kết luận, đoàn kiểm tra kiến nghị Bộ Công an yêu cầu TikTok Singapore thực hiện lưu trữ dữ liệu của người dùng Việt Nam theo quy định và ủy quyền cho pháp nhân của TikTok tại Việt Nam đảm bảo an toàn, an ninh thông tin theo quy định.
Bộ Công an cũng được kiến nghị giám sát việc triển khai lưu trữ dữ liệu của người dùng Việt Nam của TikTok Singapore theo Kết luận kiểm tra và phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên nền tảng TikTok tại Việt Nam.
Đối với Bộ Công Thương, đoàn kiểm tra kiến nghị Bộ có biện pháp xử lý buộc TikTok Singapore khắc phục ngay các sai phạm trong việc cung cấp dịch vụ sàn thương mại xuyên biên giới vào Việt Nam được chỉ ra tại Kết luận kiểm tra.
Cùng với đó là có hình thức xử lý theo quy định đối với các hành vi vi phạm của TikTok Singapore và văn phòng TikTok trong việc cung cấp dịch vụ sàn thương mại điện tử tại Việt Nam.
Bộ Công thương sẽ giám sát việc khắc phục sai phạm trong việc cung cấp sàn thương mại điện tử của Văn phòng đại diện và TikTok Singapore theo kết luận kiểm tra, tăng cường giám sát hoạt động cung cấp sàn thương mại điện tử thông qua ứng dụng TikTok tại Việt Nam.
Đoàn kiểm tra cũng kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, khai thác, vận hành hiệu quả mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, giám sát việc chấp hành Luật Trẻ em, các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến phòng chống tệ nạn xã hội của TikTok tại Việt Nam.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tăng cường phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật trên nền tảng TikTok, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam về bản quyền tác giả và quyền liên quan của TikTok tại Việt Nam.