Lộ diện những công ty chứng khoán cán đích sớm
Ngôi vị quán quân lợi nhuận quý III/2024 tiếp tục thuộc về CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) với mức lãi trước thuế 1.097 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lãi nghìn tỷ duy nhất trong kỳ này của nhóm chứng khoán.
Quý III/2024, TCBS ghi nhận doanh thu hoạt động tăng 8% so với cùng kỳ, đạt gần 1.845 tỷ đồng. Phần lớn các mảng kinh doanh đều tăng trưởng, trong đó có các mảng chiếm tỷ trọng cao như bảo lãnh và đại lý phát hành, đầu tư tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) và đặc biệt là mảng cho vay tăng mạnh 67%. Hai khoản thu chứng kiến sự đi lùi trong kỳ là lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 27% và doanh thu môi giới giảm 9%.
Các khoản chi phí của TCBS trong kỳ có biến động trái chiều. Trong khi chi phí hoạt động giảm 4% còn 140 tỷ đồng, thì chi phí tài chính lại tăng 62% lên gần 478 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 14% lên hơn 136 tỷ đồng trong quý 3/2024.
Sau khi khấu trừ toàn bộ, TCBS thu về lãi ròng gần 878 tỷ đồng trong quý III/2024, ít hơn 4% so với quý 3/2023. Dù vậy, với các kết quả tích cực đạt được trong nửa đầu năm, công ty vẫn lãi ròng lũy kế hơn 3.103 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng đến 84% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2024, TCBS đặt mục tiêu lãi trước thuế 3.700 tỷ đồng, tăng 22% so với thực hiện năm 2023. Như vậy, với lãi trước thuế hơn 3.869 tỷ đồng đạt được, TCBS chính thức vượt kế hoạch lợi nhuận năm chỉ sau 9 tháng.
CTCP Chứng khoán Vietcap cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2024 ghi nhận doanh thu hoạt động quý đạt 974 tỷ đồng, tăng 46,15% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn doanh thu của Vietcap đến từ hoạt động tự doanh, khi lãi bán các tài sản tài chính FVTPL tăng 128% lên 534 tỷ đồng.
Song song với việc doanh thu tăng mạnh, chi phí hoạt động của Vietcap cũng tăng đáng kể so với quý III/2023, đạt 468 tỷ đồng so với chỉ 268 tỷ đồng của cùng kỳ. Trừ đi thuế phí, quý này, lợi nhuận sau thuế của Vietcap đạt 215 tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ.
Theo giải trình chênh lệch lợi nhuận, Vietcap cho biết trong quý III/2024, công ty đã thực hiện hóa lợi nhuận một số khoản đầu tư nên doanh thu hoạt động tự doanh tăng mạnh so với cùng kỳ, bên cạnh hoạt động cho vay ký quỹ tăng trưởng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Vietcap báo lãi trước thuế 836 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với 9 tháng đầu năm 2023, vượt 19% kế hoạch năm chỉ trong 3 quý. Lợi nhuận sau thuế của Vietcap đạt 692 tỷ đồng, tăng 87,5%. Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của công ty tăng 18% so với đầu năm lên 20.415 tỷ đồng.
CTCP Chứng khoán VPS cũng cho biết ghi nhận doanh thu hoạt động quý III năm nay giảm 12% so với cùng kỳ năm 2023 xuống 1.644 tỷ đồng. Doanh thu môi giới vẫn chiếm tỷ trọng lớn với gần 714 tỷ, giảm 25% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, lãi từ cho vay và phải thu tăng 12% lên 453 tỷ.
Trừ đi chi phí, kết quả, Chứng khoán VPS báo lãi trước thuế quý III đạt 820 tỷ, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước đồng thời tăng 26% so với quý liền trước. Đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục của công ty.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, VPS ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng vượt tội 257% so với cùng kỳ lên 2.104 tỷ đồng, cao thứ 2 toàn ngành chỉ sau TCBS. Năm 2024, công ty đặt mục tiêu đem về 1.500 tỷ đồng lãi trước thuế hợp nhất, tăng 80% so với thực hiện năm trước. Như vậy, sau 9 tháng, công ty này đã hoàn thành vượt mục tiêu đề ra, đây đồng thời cũng là mức lãi cao nhất lịch sử của VPS.
Loạt công ty ghi nhận mức tăng trưởng "bằng lần"
CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) tiếp tục ghi nhận thành tựu kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận trước thuế quý III đạt 166 tỷ đồng, tăng trưởng 132% so với cùng kỳ 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 132 tỷ đồng, tăng 123% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 385 tỷ đồng, vượt 8% mục tiêu cả năm.
Sự tăng trưởng của lợi nhuận đến từ sự cải thiện trong quản lý chi phí. Cụ thể, doanh thu hoạt động trong quý III/2024 chỉ giảm 14% so với cùng kỳ nhưng chi phí hoạt động lại giảm với tốc độ nhanh hơn đáng kể là 47%.
Trong 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu hoạt động đạt 1.580 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ, nhưng chi phí hoạt động giảm mạnh 54% so với cùng kỳ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng lợi nhuận.
Tài sản tài chính tính đến ngày 30/9/2024 ở mức 11.337 tỷ đồng, tăng 16% so với cuối quý 2/2024 và tăng 65% so với đầu năm. Trong đó, tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) đạt 2.766 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn đạt 1.215 tỷ đồng, tăng 247% so với đầu năm.
Hoạt động cho vay ký quỹ tăng trưởng ấn tượng 114% so với đầu năm, đạt dư nợ cho vay 2.336 tỷ đồng. Nhờ vậy, lãi từ các khoản cho vay và phải thu trong 9 tháng đầu năm ghi nhận đạt 131 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh mẽ 62% so với cùng kỳ. Chi phí lãi vay ghi nhận 377 tỷ đồng, tăng 2,3% so với 9 tháng đầu năm 2023.
CTCP Chứng khoán LPBank (LPBS) cũng gây chú ý trong thị trường chứng khoán gần đây với kết quả kinh doanh quý III và lũy kế 9 tháng năm 2024 đạt mức tăng trưởng ấn tượng.
Trong quý III/2024, LPBS ghi nhận 68 tỷ đồng doanh thu, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước và hơn 2 lần tổng doanh thu của 6 tháng đầu năm. Trong đó, mảng cho vay và phải thu đóng góp phần lớn với 48 tỷ đồng.
9 tháng năm 2024, LPBS đạt gần 100 tỷ đồng doanh thu, tăng 182% so với cùng kỳ năm 2023. Cơ cấu doanh thu có sự chuyển dịch rõ rệt từ mảng tự doanh sang các kênh có rủi ro thấp hơn như cho vay và lãi tiền gửi.
Việc chuyển sang các kênh ít rủi ro và có biên lợi nhuận cao hơn đã giúp lợi nhuận quý III/2024 của LPBS tăng 200% so với cùng kỳ, đạt 26,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Lũy kế 9 tháng, công ty đạt lợi nhuận sau thuế khoảng 40 tỷ đồng, tăng 250% so với cùng kỳ.
Hụt hơi lợi nhuận quý III/2024
Chứng khoán VNDirect công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với tổng doanh thu hoạt động đạt 1.270 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Trong đó, cả 3 hoạt động kinh doanh cốt lõi gồm tự doanh, môi giới và cho vay margin đều sụt giảm mạnh. Cụ thể, tự doanh (FVTPL) lãi 678 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ; lãi từ cho vay margin là 313 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ; doanh thu nghiệp vụ môi giới đạt 168 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ.
VNDirect ghi nhận khoản lãi sau thuế quý III/2024 là 505 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp mang về 4.113 tỷ đồng doanh thu và 1.467 tỷ đồng lãi sau thuế, hoàn thành 73% kế hoạch đề ra.
Kết quả kinh doanh của VNDirect kém sắc trong bối cảnh thị phần môi giới của công ty này liên tục giảm, ừ mức đỉnh 8,01% thị phần vào quý III/2023, đến quý III/2024, VNDirect chỉ còn 5,7% thị phần.
Hụt hơi lợi nhuận quý III/2024, Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) báo lợi nhuận sau thuế quý III giảm 12% so với cùng kỳ về 132 tỷ đồng. Công ty giải trình kết quả đi lùi chủ yếu do thanh khoản thị trường giảm, làm doanh thu môi giới thu hẹp (giảm 30%). Lũy kế 9 tháng đầu năm, VCBS đạt gần 420 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
CTCP Chứng khoán APG ghi nhận khoản lỗ đậm lên đến 148 tỷ đồng trong quý III/2024, gần bằng mức lỗ lịch sử thiết lập ở quý IV/2022 và hiện là công ty chứng khoán lỗ đậm nhất ngành trong quý III/2024. Nguyên nhân chính là do chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL tăng đột biến lên mức 160 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, thành quả nửa đầu năm của công ty chứng khoán này bị phủi sạch, APG lỗ hơn 98 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước, công ty lãi ròng gần 403 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý III/2024, tổng tài sản cuối của APG gần 2.730 tỷ đồng, gấp 1,5 lần đầu năm. Trong đó, khoản trả trước cho người bán tăng mạnh từ hơn 2 tỷ đồng lên 826 tỷ đồng. Đây là các khoản APG trả trước cho các bên gồm APG Holdings, Cụm CN APG, Eco HT, Đầu tư Bắc Vương và các người bán khác.
Chứng khoán Everest (EVS) cũng ghi nhận doanh thu quý III/2024 giảm mạnh 74% so với cùng kỳ, xuống 36 tỷ do hầu hết các mảng như tự doanh, cho vay và môi giới đều sụt mạnh doanh thu. Trong kỳ, chi phí hoạt động tăng khiến EVS khi nhận khoản lỗ trước thuế hơn 35 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận lãi 72 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng của năm 2024, lợi nhuận của EVS sụt mạnh về còn chưa tới 5 tỷ, giảm 88% so với cùng kỳ năm trước.