Theo đó, quý 2/2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 440 tỷ đồng, tăng 24% so với quý 2/2022. Giá vốn hàng bán quý này đạt gần 247 tỷ đồng, tăng 16% Nhờ doanh thu tăng trưởng tốt, hết quý 2/2023, Imexpharm ghi nhận 193 tỷ đồng lợi nhuận gộp tăng 37% so với cùng kỳ.
Doanh thu và chi phí tài chính không có nhiều biến động so với cùng kỳ, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng chỉ tăng nhẹ, lần lượt là 15% và 6%. Do đó, hết quý 2, công ty ghi nhận mức tăng mạnh 71% của lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ, đạt 80 tỷ đồng.
Theo lý giải của Imexpharm, trong quý 2 này, công ty đã tiếp tục mở rộng thị trường, cơ cấu lại danh mục sản phẩm bán ra, tập trung vào các sản phẩm chủ lực có giá trị và lợi nhuận biên cao, nhờ thúc đẩy mức tăng của cả doanh thu và lợi nhuận quý 2 so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Imexpharm đạt 919 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 158 tỷ đồng, tăng lần lượt 37% và 60% so với cùng kỳ.
Sau hơn một năm thuộc về cổ đông Hàn Quốc (SK Group), Imexpharm đã có sự tăng trưởng đáng kể về lợi nhuận trong những quý gần đây và dần tạo được mặt bằng lợi nhuận mới hàng quý.
SK Group bắt đầu kế hoạch thâu tóm doanh nghiệp dược của Việt Nam kể từ cuối tháng 5/2020 khi nhận chuyển nhượng 12,3 triệu cổ phiếu IMP, tương đương 24,9% vốn điều lệ, từ các quỹ lớn trên thị trường như Dragon Capital (với khoảng 11,3 triệu cổ phiếu), CAM Vietnam Mother Fund, Kingsmead, Mirae Asset…
Trong năm 2022, SK Group đã nhiều lần rót vốn vào Imexpharm để nâng sở hữu tại công ty lên trên 55% với tổng vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tháng 10/2022 vừa qua, SK Group đã hoàn tất thâu tóm Imexpharm sau khi mua Red Capital (công ty mẹ của KBA nắm giữ 7,37% cổ phần IMP). Sau thương vụ trên, SK đã nắm giữ 55,04% vốn điều lệ của Imexpharm.
Quay trở lại với Imexpharm, trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của công ty tại ngày 30/6 đã đạt 2.523 tỷ đồng, tăng 11% so với con số đầu năm. Trong đó, mục tiền và tương đương tiền đã giảm 63% so với đầu kỳ, còn 67 tỷ đồng. Khoản tiền gửi ngân hàng của IMP cũng tăng 44% từ 211 tỷ đồng lên 303 tỷ đồng.
Khoản hàng tồn kho tăng gấp rưỡi cùng kỳ lên 658 tỷ đồng, chủ yếu do mức tăng 52% của khoản nguyên, vật liệu, lên 370 tỷ đồng và khoản thành phẩm tăng 31% lên 202 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6, Imexpharm cũng đang tăng mạnh khoản hàng mua đang đi đường lên 56 tỷ đồng, gấp gần 4,7 lần con số đầu năm.
Ngoài ra, Imexpharm cũng ghi nhận 598 tỷ đồng khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang , tăng gần 18 tỷ đồng so với đầu kỳ. Trong đó chủ yếu là khoản máy móc các loại của nhà máy sản xuất dược công nghệ cao, chiếm 463 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Imexpharm tăng vọt 52% lên 580 tỷ đồng, chủ yếu là khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng 30% so với đầu kỳ lên 112 tỷ đồng. Khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 180 tỷ đồng, tăng 89%. Phần 180 tỷ đồng này là khoản vay mới của công ty với Ngân hàng Shinhan Bank chi nhánh Sài Gòn, còn khoản nợ đầu kỳ 95 tỷ đồng với Asian Development Bank đã được thanh toán trong kỳ.
Ngay khi kết quả kinh doanh của Imexpharm được công bố, giá cổ phiếu đã tăng kịch trần 2 phiên liên tiếp, "trắng bên bán" với khối lượng giao dịch tăng vọt. Ảnh chụp màn hình bảng giá SSI |
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu IMP đang chứng kiến đà tăng trưởng tốt kể từ sau khi bật tăng trở lại từ đầu tháng 4. Đà tăng này đã đưa thị giá cổ phiếu từ 47.000 đồng/cp (kết phiên 3/4) lên 71.400đồng/cp (kế phiên hôm nay 19/7).
Đặc biệt, ngay khi kết quả kinh doanh của Imexpharm được công bố, giá cổ phiếu đã tăng kịch trần 2 phiên liên tiếp, "trắng bên bán" với khối lượng giao dịch tăng vọt, đưa thị giá IMP vượt 70.000 đồng/cp và đang giao dịch ở mức giá cao nhất từ đầu năm tới nay. Với mức giá kết phiên 19/7, vốn hóa của Imexpharm đạt 4.763 tỷ đồng.