Theo báo cáo tài chính hợp nhất công bố mới đây, CTCP Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO, UPCoM: SAS) ghi nhận doanh thu thuần quý 3/2024 hơn 782 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức doanh thu quý này cũng tăng gần 20% so với quý 2/2024, chấm dứt chuỗi 3 quý giảm doanh thu liên tiếp của doanh nghiệp này.
Trong đó, chiếm đến 44% cơ cấu là doanh thu hàng hoá tại cửa hàng miễn thuế, đạt 345 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động phòng chờ của SASCO quý này ghi nhận 183 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Doanh thu hàng hóa tại trung tâm thương mại và các chi nhánh khác; doanh thu hoạt động khác của SASCO trong kỳ này không có nhiều biến động.
Trong quý, với việc giá vốn giảm 2% so với cùng kỳ xuống còn 284 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của SASCO tăng 18% so với cùng kỳ, lên 498 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp theo đó được cải thiện từ 59% lên 64%. Đây là mức lợi nhuận gộp cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp này.
Quý 3/2024, doanh thu tài chính của SASCO tăng 40% so với cùng kỳ, lên 57 tỷ đồng do nhận được cổ tức được chia từ các khoản đầu tư góp vốn bên ngoài. Song chi phí tài chính cũng nhảy vọt 350%, lên 7,6 tỷ đồng do lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh.
Kết quả, quý 3/2024, SASCO lãi sau thuế 181 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong báo cáo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), SASCO cho hay, tình hình kinh doanh đã được khôi phục bình thường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng kiểm soát tốt chi phí, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tính chung 9 tháng năm 2024, SASCO mang về 2.117 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đạt 356 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 294 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.
Năm 2024, SASCO đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.903 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 343 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 quý kinh doanh, SASCO đã vượt gần 4% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tính đến 30/9/2024, tổng tài sản của SASCO là 2.164 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Ở tài sản ngắn hạn, tiền và các khoản tương đương tiền là 234 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm. Khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn của SASCO ghi nhận 28,6 tỷ đồng tiền trích lập dự phòng cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Đông Á, đồng thời ghi nhận 457 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.
Ở tài sản dài hạn, SAS có 495,7 tỷ đồng các khoản phải thu dài hạn khác; song doanh nghiệp này cũng đang phải trích lập dự phòng gần 251 tỷ đồng các khoản phải thu khó đòi.
Ở bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của SAS còn gần 603 tỷ đồng, giảm 21% so với đầu năm. SAS không có nợ vay tài chính, gần như toàn bộ tài sản của SAS nằm ở nợ ngắn hạn, tập trung ở phải trả người bán ngắn hạn 346,7 tỷ đồng và 121,5 tỷ đồng phải trả người lao động.
Lợi nhuận của doanh nghiệp Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất cất cánh trong bối cảnh bầu trời ngành hàng không Việt Nam đang dần sáng hơn. Theo thông tin từ Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), sản lượng vận chuyển khai thác 8 tháng của năm 2024 duy trì tăng trưởng tốt, thị trường trong nước giảm nhẹ nhưng thị trường quốc tế tăng trưởng mạnh mẽ.
Cụ thể, 8 tháng của năm nay, sản lượng hành khách đạt 75.852.267 khách, đạt 66,6% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế đạt 27.472.661 khách, tăng 32,4%; khách trong nước đạt 48.379.606 khách, giảm 17,3% so với cùng kỳ 2023.
Tại ĐHĐCĐ năm 2024 vào hồi tháng 4, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT SASCO dự báo nền kinh tế năm nay sẽ phục hồi tốt hơn, nhưng ngành hàng không còn đương đầu với nhiều thách thức lớn về giá xăng dầu, tỷ giá, mức độ mở cửa của các nền kinh tế quốc tế trọng điểm.
SASCO sẽ chú trọng vào sân bay Tân Sơn Nhất, tập trung vào bán hàng miễn thuế, phòng chờ và các dịch vụ khác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đổi mới và tăng cường phát triển các hoạt động kinh doanh hiệu quả, đồng thời tận dụng cơ hội phát triển tại nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành.