Lợi nhuận Đạm Cà Mau được dự báo sẽ tăng trưởng vào năm 2024

DCM Đạm Cà Mau
07:27 - 24/07/2023
Lợi nhuận Đạm Cà Mau được dự báo sẽ tăng trưởng vào năm 2024
0:00 / 0:00
0:00
Theo ABS Research, do giá phân bón giảm, dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Đạm Cà Mau (DCM) sẽ giảm 66% so với năm trước. Tuy nhiên, sang năm 2024 lợi nhuận sẽ ghi nhận tăng 28% nhờ chi phí sản xuất giảm và nhà máy NPK của DCM hoạt động 75% công suất.

Quý 1/2023, doanh thu của Đạm Cà Mau ghi nhận sự sụt giảm mạnh do giá bán phân bón và sản lượng tiêu thụ đều giảm với 2.735 tỷ đồng doanh thu (giảm 32% so với cùng kỳ năm trước) và 229 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (giảm 84%).

Theo báo cáo, giá phân bón ure giảm mạnh do nguồn cung phục hồi và nhu cầu suy yếu, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của DCM. Cụ thể, giá ure thế giới trong tháng 6 giao dịch ở mức 375 USD/tấn, giảm sâu -64% so với mức đỉnh 1.050 USD/tấn vào tháng 4/2022 và giảm -48% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh: ABS Research

Ảnh: ABS Research

Đánh giá về triển vọng kinh doanh của DCM thời gian tới, ABS Research cho biết, giá ure đã bắt đầu phục hồi nhẹ trong tháng 7, giá phân bón trung bình dự báo ở mức 450 USD/tấn. Tác động đến từ việc Trung Quốc (thị trường xuất khẩu phân bón lớn thứ hai thế giới) mở cửa trở lại. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2023, sản lượng phân bón xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 786.000 tấn.

Trước đó, từ giữa năm 2021, Trung Quốc ban hành một số chính sách hạn chế xuất khẩu phân ure nhằm bảo hộ nguồn cung trong nước, kìm hãm giá phân bón. Tuy nhiên, theo thống kê của Futures Daily, tổng công suất của các dự án ure chuẩn bị vận hành năm 2023 của Trung Quốc đạt 4,66 triệu tấn, dự án đang xây dựng là 5,56 triệu tấn, nếu tính thêm 1,32 triệu tấn công suất tăng thêm vào cuối 2022 thì tiềm năng công suất sản xuất của ngành ure của quốc gia này trong tương lai sẽ tăng 11,54 triệu tấn, tương ứng 16% công suất hàng năm. Theo đó, Trung Quốc có thể sẽ nới lỏng các chính sách hạn chế xuất khẩu kể từ năm nay.

Ảnh: ABS Research
Ảnh: ABS Research

Mặt khác, giá khí giảm mạnh đã thúc đẩy hoạt động sản xuất phân bón tại châu Âu. Cụ thể, giá khí tự nhiên tại châu Âu đã giảm -92% so với đỉnh trong tháng 8/2022 và giảm -83% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 26,64 EUR/MWh. Nguyên nhân đến từ nguồn cung LNG nhập khẩu dồi dào giúp kho chứa khí đốt của Châu Âu đã đầy 80%, vượt qua tỷ lệ lấp đầy trung bình 10 năm là 60% và Liên minh Châu Âu đặt mục tiêu đạt được tồn kho dự trữ là 90% trước ngày 1/11.

Trước đó, giá khí leo thang trong năm 2022 đã khiến nhiều doanh nghiệp ngành phân bón tại châu Âu phải cắt giảm sản lượng sản xuất. Tuy nhiên, với xu hướng điều chỉnh giá khí đầu vào, ABS Research cho rằng hoạt động sản xuất phân bón tại thị trường châu Âu sẽ hồi phục, tạo áp lực giảm giá phân bón.

Báo cáo chỉ ra, việc giá nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt nhưng tốc độ giảm chậm hơn giá bán đầu ra sẽ dẫn đến biên lợi nhuận gộp của DCM bị thu hẹp. Hiện giá khí, than đầu vào để sản xuất phân bón đều đang trên đà giảm. Đối với DCM, giá khí đầu vào phụ thuộc giá dầu FO (biến động tương quan với giá dầu Brent) theo chính sách giá khí công ty ký kết với PVN.

Báo cáo dẫn nguồn từ EIA (Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ), giá dầu Brent trung bình năm 2023 được dự báo giảm 16% so với mức giá trung bình năm 2022 xuống còn 85,01 USD/thùng. Tuy nhiên, giá bán bình quân phân ure thế giới được dự báo ở mức 450 USD/tấn, giảm tới 29% so với năm 2022.

Ảnh: ABS Research
Ảnh: ABS Research

Các chuyên gia của ABS Research cũng kỳ vọng vào sự tăng trưởng của DCM từ mảng NPK. Nhà máy sản xuất phân bón NPK của doanh nghiệp vận hành từ năm 2021 và hiện mới chỉ đạt 38% công suất. Báo cáo cho rằng, sản lượng sản xuất NPK năm 2023 của DCM ước đạt 162.000 tấn, tăng 41% so với cùng kỳ nhờ tăng công suất và nhu cầu tiêu thụ tăng khi giá phân NPK hạ nhiệt.

Bên cạnh đó, thuế xuất khẩu phân bón NPK giảm xuống mức 0% từ ngày 15/7 sẽ kích thích các doanh nghiệp xuất khẩu. DCM hiện có lợi thế phân phối tại thị trường Campuchia với 35% thị phần. Với khả năng tự chủ nguồn phân ure đầu vào và dự kiến nhà máy NPK sẽ đạt tối đa công suất vào năm 2026, các chuyên gia cho rằng mảng kinh doanh NPK là một điểm sáng của DCM trong tương lai.

Sản lượng tiêu thụ trong nước được cải thiện khi giá phân bón điều chỉnh. Năm 2022, giá phân bón cao kỷ lục đã khiến nhiều hộ nông dân giảm diện tích gieo trồng, kéo theo giảm sản lượng tiêu thụ phân bón. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá gạo tăng cao trước nguy cơ khủng hoảng lương thực, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tận dụng thời cơ nâng cao sản xuất.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lũy kế đến hết tháng 5, Việt Nam xuất khẩu 3,6 triệu tấn gạo, tăng 30,8% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong tháng 5 đạt mức 539 USD/tấn, tăng 3,1% so với tháng trước và là mức cao nhất kể từ tháng 7/2021.

Theo báo cáo, tình hình xuất khẩu gạo trong thời gian tới vẫn được đánh giá tích cực do hiện tượng El Nino có thể sẽ tác động đến sản lượng của nhiều quốc gia, thúc đẩy động cơ dự trữ lương thực. Theo đó, sản lượng tiêu thụ phân bón nội địa có thể sẽ tăng lên so với năm trước. Mặc dù vậy, nhu cầu có thể bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế.

Chi phí sản xuất của DCM kể từ năm 2024 sẽ giảm khi nhà máy Đạm Cà Mau trích hết khấu hao trong năm 2023. Mỗi năm, DCM phải trích hơn 1.300 tỷ đồng chi phí khấu hao, tương ứng với trung bình 23% chi phí sản xuất và 18% doanh thu thuần. Chi phí khấu hao lớn đã ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp trong suốt thời gian qua. Theo kế hoạch, nhà máy Đạm Cà Mau sẽ hết khấu hao trong tháng 9/2023, giúp lợi nhuận của DCM phục hồi từ cuối năm 2023 và tích cực hơn kể từ năm 2024.

Từ các dự báo trên, ABS Research cho rằng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2023 của DCM lần lượt là 12.410 tỷ đồng, giảm 22,1% so với năm trước và 1.451 tỷ đồng, giảm 66,4%. Điều này dựa trên giả định giá bán phân ure trung bình ở mức 9.330 đồng/kg, giảm 37% so với năm trước; sản lượng kinh doanh đạt 880.000 tấn, tăng 4,3%. Đồng thời, giá bán phân NPK trung bình ở mức 11.041 đồng/kg, giảm 26%, sản lượng kinh doanh đạt 135.000 tấn, tăng 60,7%.

ABS Research ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2024 của doanh nghiệp đạt 1.866 tỷ đồng, tăng 28,5% so với năm trước nhờ chi phí khấu hao giảm và nhà máy NPK hoạt động 75% công suất.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.