Quý 3/2023, Imexpharm ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 467 tỷ đồng tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Dù giá vốn cũng tăng cao (tăng 16,3%), lợi nhuận gộp mảng kinh doanh chính của Imexpharm vẫn tăng nhẹ 5,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 181 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính của Imexpharm tăng gấp 4,85 lần cùng kỳ lên 6,3 tỷ đồng. Ngoại trừ chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 25,4%, còn lại các chi phí khác đều tăng. Dù vậy, Imexpharm vẫn ghi nhận lãi trước thuế và sau thuế đạt gần 87 tỷ đồng và 70 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 20,8% và 24,9%.
Dù đã giảm nhẹ so với 2 quý trước đó, mức lợi nhuận quý này của Imexpharm vẫn cao hơn so với lợi nhuận quý 3 của những năm trước, đạt mức lợi nhuận quý 3 cao kỷ lục kể từ khi công ty niêm yết trên HoSE hồi tháng 12/2006.
Theo Imexpharm, mức tăng trưởng doanh thu đến từ hoạt động mở rộng thị trường, cơ cấu lại danh mục sản phẩm, quản lý chi phí hiệu quả để khống chế mức tăng chi phí trong quý 3/2023 nên tiếp tục tăng trưởng tốt so với cùng kỳ.
Cộng với kết quả kinh doanh tốt trong nửa đầu năm, lũy kế 9 tháng, Imexpharm ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.386 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế của công ty đạt lần lượt 286 tỷ đồng và 227 tỷ đồng, tăng lần lượt 45,2% và 46,5%. Tính đến hết tháng 9, lãi lũy kế của công ty là gần 400 tỷ đồng.
Năm 2023, Imexpharm đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 1.750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng, tăng lần lượt 6,5% và 20,1% so với thực hiện năm 2022. Như vậy, hết 9 tháng, công ty đã hoàn thành 79,2% kế hoạch doanh thu và 81,7% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Imexpharm tại ngày 30/9 đạt 2.487 tỷ đồng, tăng 9,2% so với con số đầu năm. Trong đó, khoản hàng tồn kho đã tăng gấp 1,77 lần đầu kỳ, lên 771 tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong đó là 448 tỷ đồng khoản nguyên, vật liệu và gần 254 tỷ đồng khoản thành phẩm, tăng 84,4% và 64,9% so với thời điểm 31/12/2022.
Imexpharm ghi nhận 311 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, tăng 14,8%. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng 15,6% lên 267 tỷ đồng, nhưng khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đã giảm tới 71% xuống còn hơn 4 tỷ đồng.
Về các khoản đầu tư tài chính, kỳ này, công ty có khoảng 103 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm, giảm 51,3% so với con số đầu năm. Cùng với đó là 71 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết. Chiếm phần lớn trong đó là gần 67 tỷ đồng đầu tư để nắm giữ 32,99% cổ phần của CTCP Dược phẩm Agimexpharm.
Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Imexpharm tại ngày 30/9 là gần 475 tỷ đồng, tăng 24,3% so với hồi đầu năm.
Mức tăng này chủ yếu đến từ phát sinh mới hơn 42 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn, và khoản phải trả ngắn hạn khác tăng vọt từ hơn 5 tỷ đồng lên gần 90 tỷ đồng, do phát sinh khoản 66,7 tỷ đồng cổ tức năm 2022.