Lợi nhuận SHS về mức thấp nhất kể từ 2017, trả nợ gần 3.000 tỷ đồng

SHS CHỨNG KHOÁN
05:34 - 30/01/2023
Doanh thu và lợi nhuận của SHS sụt giảm mạnh trong năm 2022.
Doanh thu và lợi nhuận của SHS sụt giảm mạnh trong năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Trong năm 2022 thị trường nhiều biến động, kết quả kinh doanh của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (mã SHS) cũng kém sắc. Tuy nhiên điểm sáng là công ty đã tích cực trả nợ ngân hàng và trái phiếu, giảm áp lực lãi vay.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 của SHS cho thấy, công ty đạt 610 tỷ đồng doanh thu trong quý 4, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu mảng môi giới sụt giảm mạnh nhất, chỉ đạt hơn 50 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ mang về 185 tỷ đồng. Doanh thu từ lãi các khoản cho vay và phải thu cũng giảm còn 127 tỷ đồng, so với cùng kỳ 227 tỷ đồng.

Trong khi doanh thu giảm thì chi phí hoạt động lại tăng 376 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước là 261 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động tự doanh thua lỗ khi lỗ bán các tài sản chính lên tới 445 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ ghi nhận 38 tỷ đồng. Kết quả, SHS báo lãi sau thuế quý 4/2022 đạt 142 tỷ đồng, giảm 75% so với quý 4/2021.

Luỹ kế cả năm 2022, SHS mang về 1.542 tỷ đồng doanh thu, giảm 47% so với kết quả thực hiện năm 2021; lợi nhuận sau thuế giảm 76% về mức 162 tỷ đồng. Nguyên nhân một phần do mảng tự doanh kém hiệu quả khi phải cắt lỗ hơn 700 tỷ đồng.

Tổng tài sản của SHS tại thời điểm 31/12/2022 là 10.899 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số đầu năm. Tuy nhiên việc phân bổ tài sản có sự biến động đáng kể. Công ty tăng nắm giữ tiền mặt và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn từ hơn 3.300 tỷ đồng lên mức gần 6.400 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản cho vay giảm mạnh từ hơn 5.800 tỷ đồng xuống hơn 2.300 tỷ đồng. Cho vay margin giảm hơn 4.800 tỷ đồng xuống gần 2.300 tỷ đồng.

Danh mục tài sản FVTPL thời điểm cuối năm 2022 ghi nhận lãi 240 tỷ đồng, với giá trị gốc 4.099 tỷ đồng. Đóng góp chính là 2 cổ phiếu EIB và GEE khi lãi lần lượt 75 và 33 tỷ đồng. Hai khoản đầu tư này trị giá gốc là 422 tỷ đồng và 139 tỷ đồng.

Ngược lại, danh mục tài sản AFS ghi nhận lỗ hơn 100 tỷ đồng, với giá trị gốc 675 tỷ đồng. Trong khi cổ phiếu SHB đang lãi 176 tỷ đồng thì BCG và TCD lỗ lần lượt 137 và 143 tỷ đồng.

Nợ phải trả của SHS giảm mạnh 4.855 tỷ đồng xuống còn 1.464 tỷ đồng. Khoản giảm mạnh nhất là vay ngắn hạn, từ 2.748 tỷ đồng xuống 407 tỷ đồng. Đây chủ yếu là các khoản vay tại ngân hàng SHB và các ngân hàng khác. Trong năm 2022, công ty cũng tất toán xong khoản nợ trái phiếu dài hạn trị giá 500 tỷ đồng. SHS còn khoản nợ trái phiếu ngắn hạn 660 tỷ đồng (phát sinh 60 tỷ đồng trong năm 2022).

Cổ phiếu SHS hiện vẫn đang giao dịch dưới mệnh giá (kết phiên 27/1 ở mức giá 9.700 đồng). Tuy nhiên so với mức đáy 6.400 đồng hồi đầu tháng 11/2022 thì mã này đã phục hồi khá tốt. Mức đỉnh của SHS là hơn 28.000 đồng thiết lập vào tháng 11/2021.

Tin liên quan

Đọc tiếp