M&A ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam: Sức hấp dẫn chưa bao giờ giảm

M&A ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam: Sức hấp dẫn chưa bao giờ giảm

M&A Việt nAM
11:00 - 10/02/2024
Năm 2023, thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) ngành ngân hàng ghi nhận nhiều dấu ấn của các nhà đầu tư nước ngoài. Trước sự sôi động của M&A lĩnh vực này, hàng loạt kế hoạch mới cũng đang được ấp ủ, nhiều thương vụ vẫn đang trên bàn đàm phán...

Xu hướng dòng vốn ngoại rót vào các ngân hàng ở những thị trường cận biên và đang phát triển, trong đó có Việt Nam đang ngày càng hiện rõ nét hơn trong năm vừa qua. Nếu như giai đoạn trước, vốn ngoại chảy mạnh vào lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu, thì gần đây đã có sự dịch chuyển sang các ngành khác với tỷ trọng lớn hơn ở ngành tài chính - ngân hàng.

Cuối tháng 10/2023, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) thông báo hoàn tất giao dịch phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), qua đó chính thức đưa ngân hàng lớn thứ hai Nhật Bản trở thành cổ đông chiến lược của mình.

Trước đó, VPBank cũng phát đi thông báo về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room ngoại) lên 30% vốn điều lệ. Đây là một trong những bước cuối cùng để nhà băng này hoàn tất phát hành hơn 1,19 tỷ cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho SMBC. Với giá trị 1,5 tỷ USD, thương vụ M&A này lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.

Ngoài thương vụ kể trên, trong năm qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu ngắm nghía kỹ hơn mảng tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Năm 2023, SeABank thông báo ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty tài chính TNHH MTV Bưu Điện (PTE) cho AEON Financial Service Co., Ltd.AEON là một nhà bán lẻ hàng hóa của Nhật Bản đã tham gia đầu tư các đại siêu thị tại Việt Nam.

Với việc mua lại mảng tài chính của SeABank tại PTE, nhà đầu tư này sẽ mở rộng cơ hội cung cấp sản phẩm mua trước trả sau đang trở thành xu hướng tiêu dùng hiện nay. Ngân hàng SeABank cho biết, việc chuyển nhượng 100% vốn góp của PTF cho AEON Financial Service sẽ giúp ngân hàng có thêm nguồn lực để tăng cường năng lực tài chính, mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở các phân khúc trọng tâm.

Hay tại SHB, tháng 5/2023 vừa qua, ngân hàng này đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHB Finance cho đối tác Krungsri. Hai bên sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn điều lệ còn lại sau 3 năm theo thỏa thuận đã ký.

Ngoài những thương vụ thành công trong năm 2023, còn những thương vụ M&A trong mảng tài chính - ngân hàng khác cũng đang trên bàn đàm phán. Theo đại diện SHB, ngân hàng này đang trong quá trình đàm phán bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Đối tượng nhà đầu tư mà SHB hướng tới không chỉ tại các quốc gia châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản mà còn mở rộng ra khu vực châu Âu, châu Mỹ.

Một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đang trong quá trình tiếp cận SHB trong thương vụ này, với định giá ngân hàng có thể đạt mức 2 - 2,2 tỷ USD, trong khi giá trị thị trường của SHB hiện ở mức 1,7 tỷ USD.

SHB đang trong quá trình tìm kiếm 'chàng rể ngoại', những đối tác lâu dài để không chỉ đầu tư vốn mà còn tham gia hỗ trợ quản trị điều hành ngân hàng, chia sẻ công nghệ...
SHB đang trong quá trình tìm kiếm 'chàng rể ngoại', những đối tác lâu dài để không chỉ đầu tư vốn mà còn tham gia hỗ trợ quản trị điều hành ngân hàng, chia sẻ công nghệ...

Một số ngân hàng khác như LPBank, Vietcombank… cũng đang cân nhắc lên kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, Vietcombank dự kiến phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài và đang ở bước thuê tổ chức tư vấn. LPBank cũng đang triển khai các bước trong kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay.

Chia sẻ với Mekong ASEAN về triển vọng M&A ngành tài chính - ngân hàng thời gian tới, ông Đinh Thế Anh, Trưởng Bộ phận M&A, Công ty kiểm toán và tư vấn KPMG Việt Nam đánh giá, sức hấp dẫn của lĩnh vực tài chính, ngân hàng Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài chưa khi nào giảm, song muốn hút được vốn ngoại đòi hỏi phải mở thêm room.

Theo ông Thế Anh: "Theo luật, sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng tại Việt Nam được quy định, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam. Tỷ lệ này, theo tôi, chưa đủ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài khi họ muốn trở thành người chủ đạo, có vai trò chính trong quản trị điều hành tại ngân hàng".

Bên cạnh đó, phần lớn các ngân hàng Việt Nam đang không có ưu đãi riêng giữa các nhà đầu tư chiến lược với bất kỳ cổ đông thiểu số khác. Theo đại diện KPMG, đối với nhà đầu tư mua 1% - 2% cổ phần hay 15% cổ phần đều có chung các quyền lợi, ưu đãi giống nhau. Khi đàm phán, các nhà đầu tư nước ngoài không có quyền biểu quyết đặc thù, dẫn đến các nhà đầu tư chiến lược có thể chần chừ chưa tham gia vào các giao dịch M&A ngân hàng tại Việt Nam.

Không chỉ dừng lại ở những thương vụ mua bán sáp nhập, thị trường M&A Việt Nam cũng kỳ vọng, dòng tiền mới với quy mô lớn từ nhà đầu tư nước ngoài có thể hỗ trợ xử lý nợ xấu ngân hàng cũng như tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.

Báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trước kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023 nêu, việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc kéo dài gặp khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng thương mại và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài.

Để tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư tham gia vào các thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, NHNN đề xuất các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém (ngoại trừ nhóm “Big 4”) được nới room ngoại lên mức tối đa 49%.

Tuy nhiên, đại diện KPMG đánh giá, nhà đầu tư nước ngoài có lẽ sẽ không mấy mặn mà khi mua ngân hàng yếu kém vì chất lượng tài sản xấu cùng các thủ tục phức tạp. Các ngân hàng trong nước muốn thu hút được nhà đầu tư ngoại cần phải có kết quả hoạt động tốt, có năng lực quản trị vững vàng, minh bạch… Trong khi đầu tư vào ngân hàng, điều mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm không phải là lợi nhuận cao, mà là lợi nhuận ổn định, bền vững.

"Vì vậy, thời gian tới, kinh tế toàn cầu được dự báo vẫn tiếp tục có nhiều biến động. Nên dù thị trường tài chính - ngân hàng trong nước khá hấp dẫn, Việt Nam có kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh tốt…, nhưng vẫn cần phải đợi đến khi kinh tế toàn cầu trở về trạng thái ổn định hơn, mới có thể kỳ vọng vốn ngoại sẽ quay trở lại nhiều hơn với Việt Nam, khi ấy mới có thể cân nhắc đến việc mua bán sáp nhập các ngân hàng yếu kém", ông Đinh Thế Anh nhận định.

Đọc tiếp