Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin Straits Times, giao thông vận tải là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất với mức phân bổ 4 tỷ USD trong gói ngân sách 2024 dành cho chi tiêu phát triển trị giá 19 tỷ USD. Các lĩnh vực tiếp theo được phân bổ ngân sách đáng kể trong khuôn khổ này bao gồm giáo dục với 3 tỷ USD và an ninh với 2,6 tỷ USD.
Mặc dù chi tiêu phát triển giảm từ ngưỡng 20,5 tỷ USD trong năm 2023 xuống còn 19 tỷ USD trong năm 2024, chi tiêu cơ sở hạ tầng trong năm sau trên thực tế sẽ nhiều hơn. Nguyên nhân là do ngân sách cho năm 2023 bao gồm 2,7 tỷ USD được chi để trả các khoản nợ của quỹ đầu tư nhà nước 1MDB.
Quỹ 1MDB do cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak sáng lập năm 2009 nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Các nhà điều tra Malaysia và Mỹ cho rằng quỹ này đã để thất thoát khoảng 4,5 tỷ USD trong thời gian từ 2009 – 2015.
Chính phủ dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm thâm hụt ngân sách trong năm tới, đặt mục tiêu trung hạn không quá 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhằm kiểm soát khoản nợ vượt quá 211 tỷ USD. Riêng khoản trả lãi cho các khoản vay của chính phủ liên bang sẽ lên tới gần 10,5 tỷ USD vào năm tới, chiếm khoảng 16,4% doanh thu.
Trong năm 2023, chi tiêu chính phủ dự kiến sẽ vượt doanh thu 5% GDP, giảm từ mức 5,6% vào năm 2022. Con số này dự kiến sẽ giảm hơn nữa vào năm 2024 khi Thủ tướng Anwar, đồng thời là Bộ trưởng Tài chính, công bố mục tiêu 4,3% thâm hụt ngân sách. Các loại thuế mới như thuế lãi về vốn đối với việc chuyển nhượng cổ phiếu chưa niêm yết cũng sẽ được áp dụng để tăng doanh thu.
Gói ngân sách năm 2024 của Malaysia được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị không hạ nhiệt giữa Nga – Ukraine, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp tại Trung Quốc cũng như các vấn đề khác liên quan tới chuỗi cung ứng và thương mại.
Theo báo cáo triển vọng kinh tế của Bộ Tài chính Malaysia công bố ngày 13/10, nền kinh tế nước này được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 4,0% vào năm 2023 - chưa bằng một nửa so với mức 8,7% của năm 2022 - và sẽ tiếp tục duy trì ở mức 4-5% vào năm 2024.