Máy bay chở khách của Malaysia Airline đậu trên đường băng tại Sân bay quốc tế Kuala Lumpur, ngày 8/3/2014. Ảnh: Getty Images |
Nói với Guardian trong phóng sự đánh dấu 9 năm xảy ra vụ tai nạn máy bay MH370, ông Oliver Plunkett, Giám đốc điều hành Ocean Infinity, cho biết công ty của ông từng tiến hành một cuộc tìm kiếm không thành công vào năm 2018. Tuy nhiên, giờ đây họ đã thu được bằng chứng mới có thể dẫn đến việc tìm ra xác máy bay.
Mặc dù không chia sẻ cụ thể về những phát hiện này, ông Plunkett bày tỏ hy vọng có thể thuyết phục được chính phủ Malaysia về việc “bật đèn xanh” cho một cuộc tìm kiếm khác và triển khai vào cuối năm nay hoặc năm 2024. Đề xuất này cũng được nhóm Voice370, nhóm thân nhân của những hành khách trên chuyến bay MH3790, ủng hộ.
Bức tranh tường vẽ chiếc máy bay MH370, năm 2016. Ảnh: AP |
Trong khi đó, một bộ phim tài liệu mới của Netflix có tựa đề "MH370: The Plane That Disappeared" (Chiếc máy bay biến mất) đã khơi dậy sự quan tâm của công chúng đối với bí ẩn này và nêu ra những giả thuyết mới.
Nhà nghiên cứu Cyndi Hendry tại công ty ảnh vệ tinh Tomnod (hiện đã đóng cửa) nói với các nhà làm phim Netflix rằng bà là người rà soát các ảnh vệ tinh và đã từng tìm thấy thứ giống như mảnh vỡ máy bay trên Biển Đông chỉ vài ngày sau khi chiếc MH370 biến mất, cách khu vực tìm kiếm chính thức hàng nghìn km.
Nhà nghiên cứu Cyndi Hendry. Ảnh: Netflix |
Bà tuyên bố các mảnh vỡ “gần như hoàn toàn trùng khớp” chiếc MH370. Nhà nghiên cứu này cho biết đã cố gắng liên hệ với các nhà điều tra và Malaysia Airlines để chia sẻ những phát hiện của mình. Tuy nhiên, bà đã bị phớt lờ sau khi công ty Inmarsat (Anh) công bố dữ liệu cho thấy chiếc máy bay đã bị rơi ở Ấn Độ Dương.
Ngày 8/3/2014, chiếc máy bay Boeing 777 số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines chở 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn đã mất tích khi đang bay từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc). Máy bay này mất liên lạc với kiểm soát viên không lưu khoảng một giờ sau khi cất cánh.
Giám đốc điều hành Malaysia Airlines Ahmad Jauhari Yahya cho biết, vị trí cuối cùng được biết xác định của máy bay là 120 hải lý ngoài khơi bờ biển phía đông của thị trấn Kota Bharu, Malaysia. Máy bay đang bay trong điều kiện thời tiết tốt và biến mất mà không có cảnh báo hoặc tín hiệu cấp cứu.
Nhiều quốc gia đã tham gia chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ, Singapore, Philippines và Australia. Trong những tuần sau khi MH370 biến mất, cuộc tìm kiếm tập trung vào vùng biển ở Đông Nam Á và một cuộc điều tra về vụ mất tích đã được mở.
Đến ngày 24/3/2014, Thủ tướng Malaysia thông báo rằng chuyến bay MH370 đã kết thúc ở nam Ấn Độ Dương mà không có ai sống sót. Cuộc tìm kiếm chính thức bị đình chỉ vào tháng 1/2017 mà không có kết luận về điều gì có thể xảy ra với chuyến bay bí ẩn này.