Cũng theo SPS Việt Nam (Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam), các doanh nghiệp muốn xuất khẩu chanh leo vào Trung Quốc sẽ phải đăng ký qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Các thông tin đăng ký bao gồm: tên sản phẩm, địa chỉ và mã số đăng ký để truy xuất nguồn gốc…
Về phía Trung Quốc, nước bạn đề nghị Việt Nam giám sát chặt chẽ quy cách đóng gói, các vấn đề về kiểm soát sinh vật gây hại, mã số vùng trồng soát sinh vật gây hại, mã số vùng trồng, lưu trữ hồ sơ… nhằm đảm bảo chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã đưa ra 5 loài sinh vật gây hại thuộc đối tượng kiểm dịch không được phép có trong chanh leo khi vào thị trường này. Chanh leo Việt Nam xuất vào thị trường này cũng cần đáp ứng các yêu cầu về thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP trong quá trình sản xuất.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp trong việc lấy mẫu kiểm tra trong các lô hàng xuất khẩu.
Trong tương lai, trước mỗi thời kỳ xuất khẩu, phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ gửi danh sách doanh nghiệp xuất khẩu chanh leo tới Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cơ quan này phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ công bố danh sách trên website chính thức.
Trước chanh leo, đã có 9 mặt hàng trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, bao gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.
Riêng đối với mặt hàng vải đang vào mùa thu hoạch, phía tỉnh Bắc Giang đã có 149 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tổng diện tích hơn 15.000 ha. Phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng vừa tiến hành kiểm tra trực tuyến vùng trồng và cơ sở đóng gói đối với vải thiều tại huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) trong tháng 6/2022.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam lớn nhất, chiếm 50% thị phần, đạt 722 triệu USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc lại ghi nhận giảm hơn 31% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do chính sách “Zero Covid” của thị trường này thời gian qua đã ảnh hưởng đến việc giao thương giữa 2 quốc gia, khiến hàng rau quả sang Trung Quốc gặp khó khăn.