Theo VASEP, trong khi xuất khẩu cá tra sang thị trường chủ lực là Mỹ có dấu hiệu chậm lại trong tháng 7 (do lượng tồn kho tăng, tiêu thụ chậm, giá giảm) thì Mexico vẫn giữ mức tăng trưởng cao. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cá tra tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt 11 triệu USD.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 73,5 triệu USD mặt hàng cá tra sang Mexico, tăng 73% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, từ vị trí thứ 4 trong số các nước xuất khẩu cá tra năm 2021 của Việt Nam, Mexico đã vươn lên trở thành thị trường thứ ba (sau Trung Quốc và Mỹ), chiếm 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt.
Trước đó, tính đến nửa đầu tháng 5/2022, Mexico cũng là thị trường có kim ngạch nhập khẩu cá tra lớn nhất trong khối CPTPP khi chiếm tới 35% tổng giá trị nhập khẩu của khối. VASEP dự báo, xuất khẩu cá tra sang Mexico sẽ đạt 125 triệu USD trong năm 2022, tăng 80% so với năm 2021.
Xuất khẩu cá tra sang Mexico 7 tháng đầu năm. Ảnh: VASEP |
Về mặt hàng, VASEP cho biết, trong 7 tháng đầu năm, sản phẩm cá tra phile đông lạnh xuất khẩu sang Mexico chiếm tới 94% giá trị, đạt 69 triệu USD; sản phẩm cá tra cắt khúc chiếm 6%, đạt 4,4 triệu USD.
Giá trung bình cá tra phile đông lạnh XK sang thị trường Mexico trong nửa đầu năm nay là 2,8 USD/kg, cao hơn 63,5% so với mức trung bình 1,71 USD/kg cùng kỳ năm 2021.
Bà Lê Hằng – Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO cho biết, tính đến thời điểm hiện tại Mexico đang phải chịu mức lạm phát cao nhất trong vòng 22 năm qua, người tiêu dùng quốc gia này đang phải cân nhắc các khoản chi tiêu về thực phẩm. Dù vậy, nhờ lợi thế giá cả cạnh tranh cùng với ưu thế từ CPTPP, cá tra Việt Nam vẫn là sự lựa chọn ổn định của các nhà nhập khẩu.
Phía Mexico cam kết sẽ xóa bỏ 77% số dòng thuế các mặt hàng hàng hóa ngay khi CPTPP có hiệu lực, sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Mặt khác, đồng USD tăng giá cũng không tác động quá lớn đến tiêu dùng thực phẩm của người dân Mexico như một số quốc gia khác. Nguyên nhân chủ yếu do Mexico là một trong số ít nước được nhận lượng kiều hối rất lớn từ Mỹ.
Nhiều doanh nghiệp cá tra chuyển đã chuyển từ một số thị trường khác sang thị trường Mexico. Trong quý I/2022, có hơn 30 doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam xuất khẩu cá tra sang Mexico. Trong đó, có 3 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn nhất là CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc gia I.D.I; Công ty TNHH Cá Việt Nam và CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang.
Lưu ý khi xuất khẩu cá tra sang Mexico
Khi xuất khẩu sang thị trường Mexico, doanh nghiệp cần lưu ý một số điểm như cần tìm hiểu thị trường để đánh giá nhu cầu đối với sản phẩm của doanh nghiệp, xác định lợi thế cạnh tranh, nắm vững những ưu đãi mà sản phẩm Việt Nam được hưởng tại thị trường xuất khẩu.
Mặt khác, cần nghiên cứu về nhập khẩu hàng hóa, thuế, thủ tục hải quan, đặc biệt các quy định phi thuế quan như SPS (kiểm dịch động thực vật) và TBT (các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, dán nhãn)…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng cần chủ động hơn nữa tìm hiểu về Hiệp định CPTPP, hiểu sâu, rõ hơn về thuế nhập khẩu ưu đãi; sử dụng những nền tảng thương mại điện tử để giao lưu, kết nối hợp tác với các doanh nghiệp Mexico.
Một trong hai mặt hàng thủy sản xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD
Trong quý I/2022, xuất khẩu cá tra có phần chững lại do nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường có xu hướng chững lại tại một số thị trường. Bước sang tháng 7, xuất khẩu bắt đầu khởi sắc trở lại, đạt 197 triệu USD và tăng 56% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 79%. Như vậy, cùng với tôm (đạt 2,65 tỷ USD), cá tra là mặt hàng thủy sản có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2, đạt 1,6 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, tăng 79%.