
![]() |
Kỳ họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu trụ sở Bộ Công thương Việt Nam kết nối với điểm cầu tại trụ sở Bộ Ngoại giao Peru tại Lima (Peru). Ảnh: Báo Công Thương |
Ngày 27/3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Peru Félix Denegri Boza cùng chủ trì Kỳ họp toàn thể lần III Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Peru.
Tại kỳ họp, hai bên cùng rà soát tiến độ triển khai các nội dung đã thống nhất kể từ Kỳ họp lần II tổ chức trực tuyến vào tháng 7/2022, đồng thời trao đổi về các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác song phương trong thời gian tới, đặc biệt trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.
Theo đại diện Bộ Ngoại giao Peru, các cơ chế hội nhập khu vực và toàn cầu như APEC, ASEAN, FEALAC và CPTPP mà Việt Nam và Peru là thành viên đã đóng vai trò then chốt trong việc mở rộng thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư giữa hai nước.
Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia thành viên trong khối CPTPP, thương mại Việt Nam - Peru vẫn còn khiêm tốn. Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước mới đạt 517,57 triệu USD, tăng 6,5% so với năm 2023. Peru là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latin.
Trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất định, Thứ trưởng Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng, việc tăng cường quan hệ hai nước và phối hợp trong các khuôn khổ đa phương được đánh giá hết sức quan trọng.
Việt Nam coi Peru là đối tác quan trọng tại Mỹ Latin và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ để củng cố chuỗi cung ứng, phục hồi thương mại. Peru hiện là nền kinh tế năng động với chính sách kinh tế đối ngoại tương đối cởi mở tại khu vực Mỹ Latin. Nước này tham gia và là thành viên của hầu hết các định chế quốc tế và khu vực như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Liên minh Thái Bình Dương (PA), thành viên hợp tác của Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur)...
Tại kỳ họp, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị hai bên tăng cường hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thông qua các hoạt động như cung cấp thông tin thị trường, tổ chức xúc tiến thương mại - đầu tư, kết nối giao thương cả trực tiếp và trực tuyến để thúc đẩy hiệu quả hợp tác kinh tế.
Bộ Công Thương đánh giá, Peru là thị trường tương đối phù hợp với trình độ và quy mô, cách tiếp cận thị trường của doanh nghiệp Việt Nam. Peru cũng có thể là cửa ngõ để hàng hóa của Việt Nam đi vào thị trường các nước láng giềng như Ecuador, Colombia, Bolivia hay Brazil.
Hai bên nhất trí ưu tiên triển khai các biện pháp thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - Peru từ tận dụng ưu đãi của Hiệp định CPTPP, đa dạng hóa cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh của mỗi nước, đặc biệt là nông sản.
Liên quan đến hợp tác đầu tư, hai bên đã chia sẻ thông tin về một số dự án tiềm năng, đồng thời nhấn mạnh vai trò của dự án viễn thông Bitel (thương hiệu thuộc Viettel) đang hoạt động tại Peru. Phía Việt Nam bày tỏ mong muốn Chính phủ Peru tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam đang và sẽ triển khai dự án tại nước này.
Về nông nghiệp, hai nước thống nhất tăng cường trao đổi thông tin, chính sách và quy định pháp lý nhằm thúc đẩy thương mại nông sản tươi và đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường.
Trong lĩnh vực du lịch, phía Peru bày tỏ quan tâm đặc biệt đến mô hình phát triển du lịch bền vững của Việt Nam, cụ thể là dự án “Giảm thiểu chất thải Hội An - Điểm đến xanh 2021 - 2023”, coi đây là điển hình tiêu biểu có thể học hỏi để phát triển du lịch cộng đồng và bền vững tại quốc gia Nam Mỹ này.