Trong quý 2/2023, Foripharm ghi nhận doanh thu thuần đạt 101 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm nhẹ 2 tỷ đồng xuống gần 32 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận gộp vẫn giảm gần 25% xuống còn 69 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, doanh thu hoạt động tài chính kỳ này tăng vọt 94% lên 9,5 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm 17% xuống còn 519 triệu đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm khoảng 35% xuống còn 30 tỷ đồng và 8,2 tỷ đồng.
Nhờ vậy, lợi nhuận trước thuế của Foripharm vẫn giữ được mức tăng 11% so với cùng kỳ, lên gần 40 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 221 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ doanh thu tài chính tăng mạnh, gấp gần 2,5 lần cùng kỳ và việc tiết giảm 28% chi phí bán hàng, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2023 của Foripharm tăng trưởng 8% lên gần 70 tỷ đồng.
Năm 2023, Foripharm đặt mục tiêu doanh thu đạt 450 tỷ đồng, giảm 7% so với thực hiện năm 2022, lợi nhuận trước thuế 86 tỷ đồng, giảm 37%. Hết nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành 49,1% kế hoạch doanh thu và 81,4% kế hoạch lợi nhuận.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Foripharm tại ngày 30/6 đã tăng trưởng 14% so với đầu kỳ. Trong đó, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đã tăng 53% lên gần 284 tỷ đồng, chiếm phần lớn nhất trong đó là khoản tiền gửi gần 164 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng và khoản tiền gửi 100 tỷ đồng mới phát sinh trong kỳ tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam.
Khoản hàng tồn kho đã giảm 17% xuống còn 58 tỷ đồng, chủ yếu do mức giảm 17% xuống 35 tỷ đồng của khoản nguyên, vật liệu, và mức giảm 24% của khoản thành phẩm.
Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Foripharm tại ngày 30/6 đã tăng gấp đôi lên 182 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Trong đó, khoản phải trả ngắn hạn khác đã tăng vọt 17,75 lần lên 71 tỷ đồng, chủ yếu là cổ tức, lợi nhuận phải trả (chiếm 69 tỷ đồng).
Khoản chi phí phải trả ngắn hạn cũng tăng gấp 32 lần lên 35 tỷ đồng. Ngoài ra, trong kỳ cũng ghi nhận mức tăng gấp gần 3 lần lên 15 tỷ đồng của khoản vay và nợ thuê ngắn hạn, đều là khoản vay cá nhân, không phải vay ngân hàng.
Khoản cổ tức, lợi nhuận phải trả phát sinh trong quý này của Foripharm là do công ty đã chốt ngày 6/7 là ngày chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt, tỷ lệ 80%, tương đương mỗi cổ phiếu, cổ đông nhận được 8.000 đồng. Với 8,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Foripharm sẽ chi 68,8 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Kết quả chia cổ tức này đã gấp đôi mức 40% được thông qua tại ĐHĐCĐ năm 2022 trước đó.
Ngoài ra, ngày 12/7 vừa qua, cổ đông của Foripharm cũng đã nhận được cổ phiếu phát hành thêm để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu năm 2023 của Foripharm. Theo đó, công ty đã phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 150%, tương đương mỗi 100 cổ phiếu sở hữu, cổ đông nhận được 150 cổ phiếu mới.
Với 8,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Dược phẩm Trung ương 3 đã phát hành thêm khoảng 12,9 triệu cổ phiếu trong đợt này, tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 129 tỷ đồng, đưa tổng vốn điều lệ của DP3 lên 215 tỷ đồng. Đây là lần tăng vốn lớn nhất của Foripharm từ trước tới nay.
Nguồn vốn phát hành sẽ trích từ thặng dư vốn cổ phần (gần 97,7 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2022 trên báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán của Foripharm (194,5 tỷ đồng).
Cổ phiếu phát hành đợt này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
Sau khi đạt đỉnh ngày 12/7, cổ phiếu bắt đầu suy giảm và trượt về vùng giá 69.000 đồng/cp kết phiên 22/7, giảm 3,9%. Ảnh: TradingView |
Trên thị trường chứng khoán, kể từ đầu năm, cổ phiếu DP3 đã chứng kiến đà tăng trưởng nhanh chóng từ vùng giá khoảng 34.690 đồng/cp (phiên 3/1, phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023) lên mức giá 79.500 đồng/cp (phiên 12/7) chỉ trong vòng hơn 7 tháng (giá đã điều chỉnh), với khối lượng giao dịch mới chỉ bắt đầu tăng lên trong vòng 2 tháng trở lại đây.
Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh ngày 12/7, cổ phiếu bắt đầu suy giảm và trượt về vùng giá 69.000 đồng/cp kết phiên 22/7, giảm 3,9%. Với mức giá này, vốn hóa của công ty đạt hơn 593 tỷ đồng.