Một công ty con của Hải Phát liên tục mua lại trái phiếu

HPX Hải Phát
15:58 - 25/12/2022
Dự án Roman Plaza của Hải Phát. Ảnh: Võ Quyền
Dự án Roman Plaza của Hải Phát. Ảnh: Võ Quyền
0:00 / 0:00
0:00
Tính từ tháng 10 đến nay, CTCP Hải Phát Retail - công ty con của CTCP Đầu tư Hải Phát (HoSE: HPX), đã thực hiện 9 lần mua lại trái phiếu trước hạn của lô trái phiếu CSLCH2123001.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa có thông báo về việc CTCP Hải Phát Retail mua lại trước hạn 1,6 tỷ đồng trái phiếu thuộc lô CSLCH2123001. Giao dịch được thực hiện vào ngày 20/12.

Công ty có nguồn gốc là CTCP Địa ốc Châu Sơn và vừa được đổi tên sang CTCP Hải Phát Retail vào quý 2 năm nay. Tỷ lệ sở hữu của Hải Phát tại Hải Phát Retail hiện đang ở mức 81,59%.

Đây là lần thứ 9 doanh nghiệp này thực hiện mua lại trước hạn trái phiếu của lô nói trên kể từ đầu tháng 10 đến nay, qua đó hạ khối lượng trái phiếu lưu hành từ 65,9 tỷ đồng xuống còn 37,8 tỷ đồng.

Lô CSLCH2123001 có tổng mệnh giá 100 tỷ đồng, được chào bán cho 38 nhà đầu tư chuyên nghiệp trong nước, là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo, được phát hành ngày 28/10/2021 và dự kiến đáo hạn ngày 28/1/2023.

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Dự án Dịch vụ thương mại, công cộng và nhà ở tại Dự án Platin Shophouse Cẩm Phả, thuộc sở hữu của Hải Phát Retail.

Bản thân Hải Phát cũng có nhiều đợt mua lại trái phiếu trước hạn. Tính từ ngày 27/10 – 17/11, HPX đã tiến hành mua lại toàn bộ 100 tỷ đồng trái phiếu của lô HPXH2122002 (đáo hạn ngày 17/11/2022) và 62,5 tỷ trong số 447,5 tỷ đồng đang lưu hành của lô HPXH2124001 (dự kiến đáo hạn ngày 5/5/2024).

Nợ vay tài chính lớn hơn nhiều vốn chủ sở hữu

Về tình hình kinh doanh của công ty, trong quý 3, Hải Phát ghi nhận doanh thu hợp nhất 725,7 tỷ đồng, cao gấp 2,8 lần cùng kỳ, dẫn tới lợi nhuận gộp đạt 246,6 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 190 tỷ đồng của cùng kỳ 2021. Khấu trừ các khoản chi phí, HPX báo lãi ròng 92,8 tỷ đồng, tăng 159% so với quý 3/2021.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu hợp nhất của Hải Phát đạt 1.307,76 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 123,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 30,26% và giảm 35,4% so với cùng kỳ 2021, mới chỉ hoàn thành tương ứng 43,4% và 27,4% kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên (AGM) hồi tháng Tư vừa qua.

Tính tới cuối quý 3/2022, quy mô tài sản của HPX ở mức 10.285,7 tỷ đồng, tăng 7,4% so với đầu năm tuy nhiên chất lượng tài sản lại giảm đi. Cụ thể, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 89% xuống còn gần 68,5 tỷ đồng, trong khi các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tăng lần lượt 30% và 134% lên 2.423 tỷ đồng và 1.317,9 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả tại cuối quý 3 là 6.651,2 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính chiếm đến 4.754 tỷ đồng, tương đương 46,2% tổng nguồn vốn và cao hơn vốn chủ sở hữu 30,8%.

Theo báo cáo tài chính quý 3 của Hải Phát, 300 tỷ đồng trong hợp đồng đặt mua trái phiếu 0112/2017/HĐĐMTP/HaiPhat-IVB ngày 1/12/2017 với Ngân hàng Indovina sẽ đáo hạn hạn trong tháng 12/2022.

Lô trái phiếu có tổng mệnh giá 1.300 tỷ đồng, trong đó lượng trái phiếu phát hành đợt 1 là 500 tỷ đồng. Đáng chú ý, 15,2 triệu cổ phiếu HPX thuộc sở hữu của vợ chồng Chủ tịch HĐQT Đỗ Quý Hải đã từng được sử dụng để làm đảm bảo cho nghĩa vụ của Hải Phát trong đợt phát hành này.

Tin liên quan

Đọc tiếp