Những người hành hương Hồi giáo tại Mina, Arab Saudi, ngày 18/6/2024. Ảnh: Reuters |
Nhiệt độ cao kỷ lục trong khoảng thời gian gần đây được cho là nguyên nhân gây ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cái chết trên khắp các châu lục từ châu Á, châu Âu tới châu Mỹ.
Tại Arab Saudi, gần 2 triệu người sẽ kết thúc lễ hành hương Haji ở thánh địa Mecca – một trong những nơi linh thiêng nhất của người Hồi giáo – trong tuần này. Tuy nhiên, do nhiệt độ tăng cao và có thời điểm lên tới 51,8 độ C, có hàng trăm người người được báo cáo đã thiệt mạng.
Trong số nạn nhân trên, các nguồn tin y tế và an ninh của Reuters ngày 20/6 cho biết có ít nhất 530 người là công dân Ai Cập - tăng so với con số 307 được báo cáo tính đến ngày 19/6, với 40 người khác vẫn mất tích. Người hành hương từ các quốc gia khác bao gồm Indonesia, Senegal, Jordan, Iran, Iraq, Ấn Độ và Tunisia đều được ghi nhận đã thiệt mạng, trong đó Bộ Y tế Indonesia báo cáo cái chết của hơn 140 công dân nước này.
Kể từ ngày 14/5, khu vực New Delhi của Ấn Độ đã trải qua 38 ngày liên tiếp với nhiệt độ tối đa bằng hoặc trên 40 độ C. Mùa hè tại quốc gia này thường kéo dài từ tháng 3 cho tới tháng 5 khi gió mùa xuất hiện và xua tan cái nóng. Tuy nhiên, ngày 19/6 vẫn được ghi nhận đêm ấm nhất trong ít nhất 55 năm vừa qua tại New Delhi, với nhiệt độ ghi nhận đạt 35,2 độ C lúc 1 giờ sáng tại Đài quan sát Safdarjung.
Cũng trong ngày này, một quan chức của Bộ Y tế Ấn Độ cho biết hơn 40.000 trường hợp nghi ngờ say nắng và ít nhất 110 trường hợp tử vong được xác nhận trong khoảng thời gian từ ngày 1/3 đến ngày 18/6.
Tại khu vực Địa Trung Hải, Đài quan sát Trái đất của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ cho biết các quốc gia tại đây sẽ tiếp tục hứng chịu thêm một số ngày nhiệt độ cao nữa, làm trầm trọng thêm các đợt cháy rừng từ Bồ Đào Nha đến Hy Lạp và dọc theo bờ biển phía bắc châu Phi ở Algeria.
Tại miền đông nước Mỹ, nhiệt độ cao cũng đang trở thành một vấn đề cấp bách. Thành phố New York đã mở các trung tâm làm mát khẩn cấp trong thư viện, trung tâm người cao tuổi và các cơ sở khác. Trong khi các trường học của thành phố hoạt động bình thường thì một số quận ở vùng ngoại ô đã cho học sinh về nhà sớm để tránh nắng nóng.
Cơ quan khí tượng cũng đưa ra cảnh báo nắng nóng đối với các khu vực thuộc bang Arizona của Mỹ, trong đó có Phoenix ngày 20/6, với nhiệt độ dự kiến lên tới 45,5 độ C. Nhìn chung, gần 100 triệu người Mỹ đã được tư vấn, theo dõi và cảnh báo về nhiệt độ cực cao vào ngày 20/6, theo Hệ thống Thông tin Sức khỏe Nhiệt độ Tích hợp Quốc gia của chính phủ liên bang.
Từ ngày 21/6, dịch vụ thời tiết cho biết nhiệt độ khắc nghiệt sẽ bắt đầu giảm ở New England, tuy nhiên New York và các bang Trung Đại Tây Dương sẽ tiếp tục chịu đựng cái nóng gần kỷ lục vào cuối tuần này.
Các đợt nắng nóng ở nhiều châu lục xảy ra trong bối cảnh cơ quan giám sát biến đổi khí hậu của Liên minh Châu Âu cho biết thế giới vừa ghi nhận 12 tháng liên tiếp nóng kỷ lục.
Theo một nhóm các nhà khoa học quốc tế của World Weather Attribution (WA), tính trung bình trên toàn cầu, một đợt nắng nóng lẽ ra cứ 10 năm xảy ra một lần ở thời kỳ tiền công nghiệp thì giờ đây sẽ xảy ra 2,8 lần trong 10 năm với nhiệt độ ấm hơn 1,2 độ C. Nếu thế giới đạt mức nóng lên toàn cầu 2 độ C, các đợt nắng nóng trung bình sẽ xảy ra thường xuyên hơn nữa ở mức 5,6 lần trong 10 năm với nhiệt độ cao hơn 2,6 độ C và tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa nếu thế giới tiếp tục thải ra khí nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.