Theo cáo buộc, Ryuki Hayashi đã sử dụng máy tính và điện thoại thông minh cá nhân để tạo ra các chương trình phần mềm độc hại bằng cách khai thác các hệ thống trí tuệ nhân tạo tạo sinh trực tuyến.
Vào tháng 3/2023, nam thanh niên này đã tìm kiếm trực tuyến các phương pháp thu thập thông tin một cách bất hợp pháp. Sau đó, ra lệnh và hướng dẫn các hệ thống trí tuệ nhân tạo tạo ra virus có khả năng mã hóa dữ liệu trên các hệ thống mục tiêu và đòi tiền chuộc bằng tiền mã hóa.
Ryuki Hayashi đã giấu mục đích thật của mình khi tương tác với các hệ thống trí tuệ nhân tạo nhằm lấy được thiết kế cần thiết cho việc mã hóa tệp và yêu cầu tiền chuộc. Cảnh sát đã phát hiện ra virus tự tạo này trên máy tính của Hayashi khi khám xét nhà anh ta.
Cảnh sát Tokyo cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có báo cáo về thiệt hại do virus này gây ra.
Trong quá trình thẩm vấn ngày 27/5, nam thanh niên Ryuki Hayashi đã thừa nhận tội danh này: "Tôi muốn kiếm tiền thông qua ransomware (mã độc tống tiền). Tôi nghĩ rằng tôi có thể làm bất cứ điều gì nếu tôi hỏi các công cụ trí tuệ nhân tạo".
Đây được xem là trường hợp đầu tiên ở Nhật Bản liên quan đến việc tạo ra virus bằng các hệ thống trí tuệ nhân tạo tạo sinh. Những năm gần đây, số lượng các cuộc tấn công mạng tại Nhật Bản có dấu hiệu ngày càng gia tăng.
Kyodo News cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hệ thống phòng thủ mạng của Nhật Bản chủ yếu đều do các tổ chức thuê ngoài phát triển và quản lý các hệ thống an ninh mà không bồi dưỡng các chuyên gia nội bộ.
Giới chuyên gia nhận định, tội phạm mạng ngày càng biết cách lợi dụng tiềm năng của công nghệ trí tuệ nhân tạo tân tiến để tìm ra những cách tấn công mới hiệu quả hơn. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Reuters, ông Sami Khoury, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Canada cho biết, cơ quan của ông phát hiện trí tuệ nhân tạo đang bị lợi dụng để tạo mã độc, soạn e-mail lừa đảo, phát tán tin sai sự thật trên mạng.
Ông Sami Khoury chỉ ra rằng, thời gian gần đây, nhiều tổ chức an ninh mạng đã công bố các báo cáo về rủi ro giả định của trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là các chương trình xử lý ngôn ngữ lớn được đào tạo dựa trên lượng lớn dữ liệu của người dùng để tạo ra những đoạn văn bản, hình ảnh, video giống thật.
Chẳng hạn, chatbot AI ChatGPT đã gây sốt với giới công nghệ toàn cầu nhờ khả năng viết luận, soạn thảo e-mail dài hàng nghìn từ chỉ trong vài giây với câu lệnh đơn giản. Cũng chính vì thế mà sự xuất hiện những ngôn ngữ phức tạp bao gồm dấu câu, câu dài và khối lượng văn bản trong các e-mail này đang tạo điều kiện cho các tội phạm mạng tung ra các thủ đoạn tinh vi và phức tạp hơn nhằm khai thác lòng tin của người dùng.
Mặc dù các nền tảng như ChatGPT của OpenAI đã tăng cường các biện pháp để ngăn chặn các đầu ra liên quan đến hoạt động tội phạm. Tuy nhiên, vẫn còn một số hệ thống trí tuệ nhân tạo tương tác trên Internet vẫn cung cấp thông tin không giới hạn có thể được sử dụng cho mục đích tội phạm.