Bộ Tài chính và Nhà Trắng hối thúc Quốc hội nâng trần nợ công trước tháng 6 để tránh vỡ nợ. Ảnh: Getty Images |
Để ngăn kịch bản Mỹ vỡ nợ, bà Yellen hôm 19/1 cho biết Bộ Tài chính sẽ thực hiện các biện pháp đặc biệt như đã cảnh báo trước đó. Theo như nội dung trong một bức thư gửi cho Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tạm dừng các khoản đầu tư mới vào Quỹ Dịch vụ Dân sự cho Hưu trí và Người khuyết tật cùng Quỹ Dịch vụ Bưu chính cho Phúc lợi Y tế Hưu trí.
Các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ 19/1 cho tới 5/6 năm nay. Trong một phát biểu chính thức trước các nhà lập pháp ngày 20/1, Bộ Tài chính Mỹ tin rằng các biện pháp đặc biệt có thể giúp chính phủ thanh toán các nghĩa vụ của mình cho tới đầu tháng 6.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cảnh báo cả 2 động thái vẫn tồn tại những “sự không chắc chắn đáng kể” nếu Quốc hội không thông qua dự luật tăng trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD hiện tại hoặc đình chỉ giới hạn nợ. Nguyên nhân bởi nếu không làm như vậy, Mỹ có thể lâm vào tình cảnh vỡ nợ lần đầu tiên và gây thiệt hại kinh tế trên toàn thế giới.
Ngoài Bộ Tài chính, Nhà Trắng cũng đang hối thúc Quốc hội Mỹ nâng trần nợ công “vô điều kiện” hôm 20/1. Trên thực tế, chính phủ Mỹ chưa từng vỡ nợ nhưng mức trần nợ công đã được nâng lên tổng cộng 22 lần từ năm 1997 cho tới năm 2022 vừa qua theo Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ.
Trần nợ giới hạn mức nợ mà chính phủ liên bang có thể đảm nhận. Việc dỡ bỏ nó giúp chính phủ có thể tiếp tục vay mà không phải chi tiêu để đáp ứng các mục tiêu ngân sách của mình.
Trước mắt, CNBC trích dẫn một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ ưu tiên đàm phán về một dự luật mới nhằm nâng trần mức nợ công sau thời hạn nộp thuế vào giữa tháng 4 tới.
Tuy nhiên, đang xuất hiện những lo ngại rằng Quốc hội có thể gặp khó khăn trong việc tăng trần nợ công trước tháng 6 khi một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa cho biết mình muốn cắt giảm chi tiêu như một phần của thỏa thuận tăng giới hạn vay. Việc cắt giảm chi tiêu đối với các chương trình quan trọng của chính phủ như Medicare và An sinh xã hội là một phần trong các điều kiện đã giúp ông McCarthy giành được sự ủng hộ và đạt được vị trí Chủ tịch Hạ viện Mỹ.
Theo ông McCarthy, ông kêu gọi cắt giảm để tránh dẫn tới tình trạng phá sản. Phát biểu trên kênh truyền hình Fox News, ông khẳng định chính phủ không thể cứ tiếp tục tăng mức trần nợ mà cần “ngồi xuống và thay đổi hành vi của mình vì lợi ích của nước Mỹ”.
Các đảng viên Cộng hòa khác tại Hạ viện, chẳng hạn như Hạ nghị sĩ Ralph Norman của Nam Carolina và Chip Roy của Texas, cũng đã yêu cầu giảm chi tiêu trước khi tăng giới hạn nợ.
Ngược lại, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre trong tuần này lại khẳng định trước các phóng viên rằng Tổng thống Joe Biden không mong muốn các cuộc đàm phán về nâng trần nợ công sẽ bị buộc với các điều kiện nhất định.
Bà khẳng định: “Đây chỉ là một nỗ lực khác của các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội nhằm buộc cắt giảm các chương trình quan trọng đối với người cao niên, tầng lớp trung lưu và gia đình lao động”. Đồng thời, bà nhận định đây là chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh” mà Đảng Cộng hòa sử dụng với mục đích chính trị.
Thêm vào đó, trong một tuyên bố đưa ra hôm 19/1, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho biết chính các gia đình Mỹ sẽ phải trả giá cho các hành vi “chính trị đảng phái vô cớ” liên quan tới tăng trần nợ. Ông khẳng định việc này cuối cùng sẽ trở thành một đòn giáng mạnh lên kinh tế địa phương cùng các gia đình Mỹ và sẽ chẳng khác gì một cuộc khủng hoảng kinh tế dưới bàn tay của Đảng Cộng hòa”.