Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev ngày 20/2/2023. Ảnh: Reuters |
Trong một tuyên bố được hãng tin Reuters trích dẫn, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các biện pháp cấm vận mới nhằm vào một công ty Nga lớn liên quan đến việc phát triển, vận hành và sở hữu một dự án năng lượng lớn ở Siberia có tên là Arctic-2 LNG. Dự án này dự kiến sẽ bắt đầu vận chuyển LNG tới các thị trường trên thế giới vào đầu năm 2024.
Washington cũng nhắm mục tiêu vào các công ty sản xuất các máy bay không người lái KUB-BLA và Lancet đang được quân đội Nga sử dụng tại Ukraine, cũng như các công ty và cá nhân cung cấp linh kiện sản xuất cũng như thiết kế ra các UAV trên.
Trong số các công ty này có công ty trách nhiệm hữu hạn ZALA Aero - một nhà sản xuất có trụ sở tại Nga chuyên sản xuất đạn dược và UAV tự sát cho Bộ Quốc phòng Nga cũng như A Level Aerosystems CST - một công ty sản xuất UAV dưới thương hiệu ZALA. Chủ sở hữu công ty này là Aleksandr Zakharov, cùng với vợ, con gái và các con trai của ông cũng là mục tiêu của lệnh cấm vận mới của chính phủ Mỹ.
Ngoài 2 lĩnh vực năng lượng và quân sự, Washington cũng áp đặt lệnh trừng phạt lên nhiều công ty và cá nhân thuộc các lĩnh vực khác của Nga, trong đó bao gồm 7 ngân hàng có trụ sở tại quốc gia này, nhiều công ty công nghiệp, xây dựng và khai thác mỏ.
Chính phủ Mỹ cũng tiến hành trừng phạt các công ty tại UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc vì các cáo buộc giúp Nga lách lệnh cấm vận và tiếp tục gửi các mặt hàng lưỡng dụng được ưu tiên cao sang Nga, bao gồm cả các linh kiện mà Moscow sử dụng cho hệ thống vũ khí của mình.
Phản ứng lại các động thái trên, Điện Kremlin ngày 2/11 cho biết việc phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nằm trong dự kiến, Tuy nhiên, những hình phạt này chỉ làm tổn hại đến lợi ích của phương Tây trong khi nền kinh tế Nga vẫn đang thích nghi tốt.
Về phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát ngôn viên cơ quan này trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 3/11 khẳng định các động thái của Mỹ là hành động ép buộc kinh tế và bắt nạt đơn phương. Do đó, Trung Quốc kêu gọi Mỹ “ngay lập tức sửa chữa các hành vi sai trái của mình và ngừng việc trừng phạt các công ty Trung Quốc”.
Ngược lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong bài phát biểu tối ngày 2/11 ca ngợi các biện pháp này là “đúng những gì cần thiết”. Ông khẳng định: “Mọi quyết định trừng phạt phải được thực hiện đầy đủ để Nga không có cơ hội lách trừng phạt”.
Chánh văn phòng của ông Zelensky là ông Andriy Yermak cũng bày tỏ thái độ hoan nghênh các lệnh trừng phạt liên quan đến UAV Lancet của Nga. Phát biểu trên kênh Telegram của mình, ông Yermak cho biết: “Tôi rất vui vì các hạn chế đang được thắt chặt đối với các công ty liên quan đến tổ hợp công nghiệp - quân sự của Liên bang Nga”.