Mỹ - Indonesia nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện

quan hệ Mỹ - Indonesia
16:08 - 14/11/2023
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Indonesia Joko Widodo bắt tay tại Nhà Trắng, Washington ngày 12/11.2023, Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Indonesia Joko Widodo bắt tay tại Nhà Trắng, Washington ngày 12/11.2023, Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Trong cuộc gặp mặt tại Nhà Trắng ngày 13/11 với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ca ngợi một “kỷ nguyên mới” trong mối quan hệ song phương khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Cùng uống trà chiều và gặp gỡ các cố vấn hàng đầu khi khởi động mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, ông Biden và ông Widodo đã tiến hành thảo luận về nhiều vấn đề kinh tế lẫn chính trị. Một trong các chủ đề được đưa vào chương trình nghị sự là việc mở rộng buôn bán các khoảng sản quan trọng như nickel - một kim loại thiết yếu được sử dụng để sản xuất pin xe điện. Indonesia hiện đang là quốc gia sản xuất nickel lớn nhất thế giới.

Theo hãng tin AP trích dẫn Tổng thống Indonesia, ông mô tả Mỹ là một trong những đối tác quan trọng nhất của quốc gia này, đồng thời nhấn mạnh vào việc song phương cần mang lại “ý nghĩa thực sự” cho mối quan hệ. Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden ca ngợi sự khởi đầu này “đánh dấu một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Mỹ và Indonesia về mọi mặt”.

Tuyên bố chung được hai bên đưa ra sau cuộc gặp mặt giữa hai nguyên thủ cũng cho biết Mỹ và Indonesia đã “đạt được những bước tiến đáng kể trong việc tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau cũng như tăng cường hợp tác trong 8 năm kể từ khi thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược”.

Trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mới, Tổng thống Biden và Tổng thống Widodo tiếp tục thể hiện ý định mở rộng hơn nữa hợp tác trên tất cả các vấn đề cùng quan tâm, bao gồm cả quản trị, tôn trọng nhân quyền, pháp quyền, chủ quyền, phát triển bền vững và toàn vẹn lãnh thổ cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua đổi mới, phát triển bền vững, y tế công và chuyển đổi số.

Ngoài việc thảo luận về tăng cường quan hệ hợp tác, hai nhà lãnh đạo cũng có những trao đổi liên quan tới giao tranh đang diễn ra giữa Israel và lực lượng vũ trang Hamas. Với tư cách nguyên thủ quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, ông Widodo kêu gọi Mỹ “làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn tình hình ở Gaza và đạt được lệnh ngừng bắn vì lợi ích nhân loại”.

Quan điểm của phía chính phủ Mỹ là phản đối các lệnh kêu gọi ngừng bắn. Tuy nhiên, quốc gia này cũng kêu gọi Israel kiềm chế trong các hoạt động quân sự của mình, đồng thời thúc giục việc tạm thời đình chiến để cho phép cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân đang mắc kẹt trong giao tranh cũng như cho việc thả con tin do Hamas bắt giữ.

Trước khi có cuộc gặp gỡ Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng, ông Widodo đã dừng chân tại Đại học Georgetown, nơi đang lên kế hoạch thực hiện một chương trình giáo dục mới ở Indonesia. Phát biểu tại đây, ông nhận định mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ có thể mang lại lợi ích vì “Mỹ là một quốc gia lớn và ảnh hưởng của nước này đối với bất kỳ quốc gia nào khác cũng rất lớn”.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh vào thái độ trung lập của Indonesia trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh chưa hạ nhiệt. Ông cho biết: “Indonesia luôn sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào và không đứng về phía bất kỳ cường quốc nào, ngoại trừ đứng về phía hòa bình và nhân đạo”.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.