Mỹ ra quy định về sử dụng AI trong các cơ quan chính phủ

AI. MỸ
09:44 - 29/03/2024
Mỹ ra quy định về sử dụng AI trong các cơ quan chính phủ
0:00 / 0:00
0:00
Theo quy định, trước khi ứng dụng công cụ trí tuệ nhân tạo, các cơ quan Chính phủ Mỹ cần chứng minh rằng những công cụ đó không gây nguy hiểm đối với các quyền và sự an toàn của người dân Mỹ.

Trong cuộc họp báo ngày 28/3, Mỹ đã công bố quy định sử dụng trí tuệ nhân tạo trong các cơ quan chính phủ.

Theo Reuters, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết, các quy tắc sẽ do Văn phòng quản lý và ngân sách Nhà Trắng (OMB) soạn thảo.

Theo quy định này, tất cả cơ quan Mỹ sẽ phải công bố một cách minh bạch danh sách các hệ thống trí tuệ nhân tạo mà họ sử dụng, đi kèm với các giải pháp quản lý rủi ro khi ứng dụng công nghệ này như theo dõi, đánh giá và kiểm tra tác động của trí tuệ nhân tạo đối với công chúng và giảm thiểu rủi ro phân biệt đối xử về mặt thuật toán.

Đặc biệt, mỗi cơ quan Chính phủ Mỹ sẽ phải chọn ra một giám đốc về trí tuệ nhân tạo có chuyên môn để đảm bảo rằng công nghệ này được sử dụng một cách có trách nhiệm. Bà Kamala Harris thông tin thêm, Nhà Trắng đang có kế hoạch thuê 100 chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy việc sử dụng công nghệ này một cách an toàn ở cấp độ liên bang.

"Khi các cơ quan Chính phủ Mỹ sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo, chúng tôi sẽ yêu cầu họ xác minh rằng những công cụ đó không gây nguy hiểm đối với các quyền và sự an toàn của người dân Mỹ," bà Kamala nói.

Phó Tổng thống Mỹ lấy ví dụ, một bệnh viện thuộc Cơ quan quản lý cựu chiến binh đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để chẩn đoán y tế. Điều quan trọng là bệnh viện này cần phải chứng minh rằng kết quả chẩn đoán sẽ không bị sai lệch.

Thời gian áp dụng quy định trên sẽ bắt đầu từ ngày 1/12 năm nay.

Giới chuyên gia nhận định, động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ tuyên bố sẽ đóng vai trò là hình mẫu cho toàn cầu trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Tháng 11/2023, Mỹ lên kế hoạch thành lập Viện an toàn trí tuệ nhân tạo Mỹ nhằm đảm bảo an toàn, tin cậy của trí tuệ nhân tạo.

"Việc thành lập Viện an toàn trí tuệ nhân tạo Mỹ sẽ góp phần thúc đẩy các tiến bộ công nghệ ở trong và ngoài nước Mỹ vì lợi ích chung," Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói.

Thời gian qua, những công cụ trí tuệ nhân tạo đã tạo ra bước đột phá mới trong làn sóng đầu tư vào công nghệ, song nó cũng gây ra một cuộc tranh luận gay gắt đối với các nhà hoạch định chính sách do lo ngại công nghệ này có thể truyền bá thông tin sai lệch và gây ra tác hại đáng kể cho người dùng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.