Mỹ sẽ thả dù viện trợ cho Dải Gaza trong những ngày tới

giao tranh Israel - Hamas
11:48 - 02/03/2024
Trại tị nạn Jabaliya, Gaza. Ảnh: AP
Trại tị nạn Jabaliya, Gaza. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 1/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nước này sẽ bắt đầu thả dù hàng viện trợ nhân đạo khẩn cấp vào Gaza trong những ngày tới nhằm giúp đỡ những người dân Palestine đang gặp khủng hoảng.

Tuyên bố trên được nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tại Nhà Trắng. Hãng tin AP dẫn lời ông Biden cho biết: “Viện trợ chảy tới Gaza là hoàn toàn không đủ. Mạng sống của những người vô tội đang bị đe dọa và mạng sống của trẻ em cũng vậy. Chúng tôi sẽ không đứng yên cho đến khi có thêm viện trợ vào đó. Chúng ta lẽ ra phải đưa hàng trăm xe tải vào chứ không chỉ vài chiếc”.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ tiến hành thả dù các đợt hàng viện trợ cũng như xem xét các phương pháp bổ sung khác nhằm tạo điều kiện đưa dòng viện trợ cần thiết vào trong vùng lãnh thổ đang bị giao tranh tàn phá và giảm bớt đau khổ cho người dân thường nơi đây.

Cụ thể, ông cho biết: “Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ tham gia cùng với những đồng minh ở Jordan và những quốc gia khác đang cung cấp thêm thực phẩm và vật tư”. Cùng với Mỹ, các quốc gia khác như Ai Cập, Pháp, Jordan, Qatar và UAE đã sử dụng các đợt thả dù để đưa viện trợ vào Gaza kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 10/2023.

Đồng thời, ông cũng tuyên bố chính phủ Mỹ sẽ “tìm cách mở ra những con đường khác, có thể bao gồm cả hành lang hàng hải” nhằm hỗ trợ quá trình cung cấp viện trợ nhân đạo.

Trên thực tế, Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc trong nhiều tháng qua đã cân nhắc tiến hành hỗ trợ nhân đạo bằng đường hàng không. Tuy nhiên, biện pháp này bị trì hoãn nhiều lần do lo ngại về tính hiệu quả không cao, không thể bù đắp cho hàng viện trợ cung cấp bằng đường bộ cũng như các yếu tố khác như không thể đảm bảo viện trợ tới được người dân thường đang cần.

Người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết: “Đó không phải là điều bạn muốn làm trong tích tắc mà phải suy nghĩ kỹ càng. Việc thả dù hỗ trợ nhân đạo là một hoạt động quân sự mang tính phức tạp cao”.

Bất chấp khó khăn, AP dẫn lời người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết nhu cầu viện trợ cấp thiết ở Gaza đã ảnh hưởng đến quyết định của Tổng thống Biden. Tuy nhiên, các tuyến đường bộ sẽ tiếp tục được sử dụng để đưa viện trợ vào Gaza và việc thả dù chỉ là một nỗ lực bổ sung.

Tổng thống Joe Biden đang đứng trước áp lực ngày càng gia tăng trong việc xoa dịu nỗi đau của người dân thường Palestine tại Gaza, trong đó bao gồm cả áp lực tới từ các nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ. Trước đó, Thượng nghị sĩ Jack Reed, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, đã viết thư cho ông Biden để thúc giục chính quyền triển khai một tàu bệnh viện quân sự và các đơn vị hỗ trợ để giúp điều trị những người bị thương ở Gaza và mở một tuyến đường biển đến Gaza để vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo.

Động thái của chính phủ Mỹ diễn ra một ngày sau khi cơ quan y tế Gaza cho biết có ít nhất 112 người thiệt mạng và hơn 280 người bị thương do bị quân đội Israel tấn công trong khi đang chờ đợi hàng viện trợ từ xe tải.

Phản hồi về vụ việc này, phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, cho biết hàng chục người đã bị giẫm chết hoặc bị thương trong một cuộc tranh giành đồ tiếp tế khỏi xe tải viện trợ. Ông cho biết xe tăng hộ tống các xe tải sau đó đã bắn cảnh cáo để giải tán đám đông và rút lui khi tình hình bắt đầu vượt quá tầm kiểm soát.

Quan chức này khẳng định rằng: “Không có cuộc tấn công nào của IDF được tiến hành nhằm vào đoàn xe viện trợ”. Trên thực tế, “IDF đã ở đó để đảm bảo hành lang nhân đạo và cho phép đoàn xe viện trợ đến điểm phân phối được chỉ định”.

Tuy nhiên, lực lượng Hamas bác bỏ lại các tuyên bố của chính phủ Israel. Nhóm này khẳng định Bộ Y tế tại Gaza đã đưa ra bằng chứng "không thể phủ nhận" về việc IDF "bắn trực tiếp vào người dân, bao gồm cả những phát bắn vào đầu nhằm giết chết ngay lập tức” cùng với “lời khai của tất cả các nhân chứng xác nhận bị nhắm mục tiêu bằng hỏa lực trực tiếp mà không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào cho quân đội chiếm đóng".

Lực lượng Hamas cũng cảnh báo vụ việc này có thể gây ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán ở Qatar nhằm đảm bảo lệnh ngừng bắn và thả các con tin Israel vẫn đang bị giam giữ.

Tin liên quan

Đọc tiếp