Mỹ tiếp bước Anh thành lập Viện an toàn trí tuệ nhân tạo

CÔNG NGHỆ MỸ
16:39 - 02/11/2023
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo có bài phát biểu về trí tuệ nhân tạo tại Hội nghị thượng đỉnh An toàn trí tuệ nhân tạo ở Anh. Ảnh: Reuters.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo có bài phát biểu về trí tuệ nhân tạo tại Hội nghị thượng đỉnh An toàn trí tuệ nhân tạo ở Anh. Ảnh: Reuters.
0:00 / 0:00
0:00
Reuters đưa tin ngày 2/11, Bộ Thương mại Mỹ thông báo trên cơ sở làm việc với Viện Tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia sẽ thành lập Viện an toàn trí tuệ nhân tạo Mỹ (USAISI) nhằm đảm bảo an toàn, tin cậy của trí tuệ nhân tạo.

Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, Viện USAIS sẽ thúc đẩy việc phát triển các tiêu chuẩn về an toàn, bảo mật và tiến hành thử nghiệm các mô hình trí tuệ nhân tạo tiên tiến. Cơ quan này sẽ xây dựng bộ tiêu chuẩn nhằm xác thực nội dung do trí tuệ nhân tạo tạo ra, cung cấp môi trường thử nghiệm cho các nhà nghiên cứu để đánh giá các mức độ rủi ro và biện pháp giải quyết các tác động của nội dung trí tuệ nhân tạo.

Đồng thời, USAISI sẽ tận dụng nguồn lực bên ngoài, trong đó có việc hợp tác với chuyên gia, đối tác để nâng cao bảo đảm an toàn của việc sử dụng trí tuệ nhân tạo. Trong hợp tác quốc tế, USAISI hợp tác với các viện tương tự ở các nước đồng minh, đối tác, trong đó có Viện an toàn trí tuệ nhân tạo của Anh.

Đặc biệt, viện USAISI sẽ cụ thể hóa các nhiệm vụ trong sắc lệnh hành pháp về trí tuệ nhân tạo do Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành ngày 30/10.

Sắc lệnh này yêu cầu các cơ quan liên bang thiết lập những tiêu chuẩn an toàn mới cho trí tuệ nhân tạo và yêu cầu Viện Tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia của Mỹ đặt ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt để thử nghiệm trí tuệ nhân tạo trước khi ra mắt. Cùng với đó, các nhà phát triển sản phẩm phải chia sẻ kết quả kiểm tra độ an toàn cũng như các thông tin quan trọng khác về trí tuệ nhân tạo với Chính phủ Mỹ.

"Việc thành lập Viện an toàn trí tuệ nhân tạo Mỹ sẽ góp phần thúc đẩy các tiến bộ công nghệ ở trong và ngoài nước Mỹ vì lợi ích chung", Bộ trưởng Gina Raimondo nhấn mạnh.

Thời gian qua, những công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT đã tạo ra bước đột phá mới trong làn sóng đầu tư vào công nghệ, song nó cũng gây ra một cuộc tranh luận gay gắt đối với các nhà hoạch định chính sách do lo ngại công nghệ này có thể truyền bá thông tin sai lệch và gây ra tác hại đáng kể cho người dùng.

Mới đây, Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố nước này sẽ thành lập Viện an toàn trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Đồng thời, ông Sunak cho rằng, chỉ có các chính phủ mới có thể nhận định đúng nguy cơ của trí tuệ nhân tạo đối với an ninh quốc gia và không nên phụ thuộc vào đánh giá của các công ty công nghệ.

Anh là một trong những nước đi đầu về phát triển trí tuệ nhân tạo, tập trung tại các trường đại học và viện nghiên cứu. Chính phủ nước này muốn tận dụng trí tuệ nhân tạo để tăng trưởng kinh tế và tạo ra môi trường nơi công nghệ được tận dụng tối đa trong khi giảm rủi ro xuống mức thấp nhất.

Tuy nhiên, Chính phủ Anh sẽ không vội vã tiến hành kiểm soát trí tuệ nhân tạo, thay vào đó là xây dựng năng lực hàng đầu thế giới nhằm nắm bắt và đánh giá độ an toàn của các mô hình trí tuệ nhân tạo trong phạm vi quốc gia.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.