Xe quân sự bị phá hủy tại Kiev, Ukraine. Ảnh: AP |
Trong bối cảnh các gói hỗ trợ quân sự liên tục đổ về Ukraine và các nỗ lực kêu gọi đàm phán hòa bình từ Trung Quốc, tranh chấp giữa Nga và Ukraine không thể hiện bất kỳ dấu hiệu hạ nhiệt nào. Tình hình trong những tháng tới còn có khả năng sẽ bước vào một giai đoạn phức tạp hơn nữa.
Vì vậy trong khuôn khổ cuộc gặp mặt trực tuyến giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo G7 ngày 24/2, tất cả đều thể hiện tinh thần thống nhất trong việc ủng hộ Kiev. Cụ thể, AP trích dẫn ông Biden cho biết: “Tình đoàn kết của chúng tôi sẽ không bao giờ lung lay khi sát cánh cùng Ukraine, hỗ trợ các quốc gia và người dân gặp khó khăn cũng như duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”.
Đồng thời, Tổng thống Mỹ cũng công bố gói viện trợ vũ khí mới nhất trị giá 2 tỷ USD mà Lầu Năm Góc dành cho Ukraine. Gói viện trợ này sẽ bao gồm nhiều đạn dược hơn, thiết bị tác chiến điện tử cùng nhiều loại vũ khí khác để chống lại các hệ thống không người lái của Nga và một số loại UAV như Switchblade 600 Kamikaze bản nâng cấp.
Gói viện trợ mới nhất này được áp dụng thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) để cung cấp kinh phí cho các hợp đồng dài hạn mua vũ khí và thiết bị. Không giống như quyền rút vũ khí của tổng thống mà Lầu Năm Góc đã sử dụng nhiều lần trong năm qua để lấy vũ khí từ kho dự trữ của mình và nhanh chóng chuyển chúng đến Ukraine, các thiết bị do USAI tài trợ có thể mất một hoặc 2 năm mới tới được mặt trận. Do đó, nó có khả năng sẽ không giúp được chính phủ Ukraine quá nhiều trong việc chống lại đợt phản công mùa xuân sắp tới của Nga.
Thêm vào đó, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin ABC News cùng ngày, Tổng thống Joe Biden cũng cho biết Mỹ sẽ không gửi tiêm kích F-16 đến Ukraine. Bất chấp việc Tổng thống Zelensky thúc giục Mỹ cùng các đồng minh mua máy bay phản lực, Nhà Trắng cho biết những vũ khí này không phải là cái mà Ukraine cần trong thời gian tới.
Quân đội Ukraine tại Donetsk. Ảnh: AP |
Ở một diễn biến khác, ông Biden cũng tuyên bố thêm những lệnh trừng phạt mà nước này sẽ áp đặt lên Nga, cụ thể là lên hơn 200 người và tổ chức với mục đích “làm suy thoái hơn nữa nền kinh tế Nga” và làm giảm khả năng tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt. Về mặt chi tiết, chính phủ Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục hạn chế xuất khẩu sang Nga và tăng thuế đối với một số sản phẩm của Nga nhập khẩu vào Mỹ.
Ngoài ra, trong gói trừng phạt mới do Bộ Tài chính Mỹ đưa ra hôm 24/2, các công ty, ngân hàng, nhà sản xuất và cá nhân của Nga, đặc biệt là các thực thể đã giúp Nga trốn tránh các vòng trừng phạt trước đó sẽ nằm trong danh sách.
Bộ Ngoại giao và Thương mại Mỹ cũng như Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cũng đã ban hành kế hoạch tăng áp lực lên Nga. Việc này sẽ được thực hiện thông qua các hạn chế về thị thực đối với 1.219 thành viên của quân đội Nga, tăng thuế đối với các sản phẩm của Nga như kim loại, trị giá khoảng 2,8 tỷ USD và thêm gần 90 công ty của Nga và nước thứ 3, bao gồm cả từ Trung Quốc, vào danh sách các công ty trốn tránh lệnh trừng phạt.
Trước đó, hơn 30 quốc gia đại diện cho hơn một nửa nền kinh tế thế giới đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, khiến nước này trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới. Các biện pháp trừng phạt bao gồm việc áp trần đối với giá dầu và dầu diesel của Nga, đóng băng các quỹ của Ngân hàng Trung ương Nga và hạn chế quyền truy cập vào SWIFT - hệ thống chi phối các giao dịch tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, các biện pháp cấm vận cho tới hiện tại không giúp ích nhiều trong việc buộc Điện Kremlin rút khỏi cuộc xung đột. Trên thực tế, hàng loạt các gói cấm vận liên tục dồn lên Moscow trong năm qua vẫn chưa thành công khiến nền kinh tế Nga tan vỡ như những gì mà Nhà Trắng cùng các nhà kinh tế đã dự đoán từ đầu chiến sự.
Tàu chở dầu thô RN Polaris và một tàu sân bay ở Vịnh Nakhodka gần thành phố cảng Nakhodka, Nga. Ảnh: Reuters |
Trong năm 2022, nền kinh tế Nga vượt qua bão trừng phạt tốt hơn dự kiến khi chỉ suy giảm 2,2% so với con số dự đoán 15% trước đó. Kiểm soát xuất khẩu và trừng phạt tài chính đang dần làm xói mòn năng lực công nghiệp của Nga, nhưng xuất khẩu dầu mỏ và năng lượng đã giúp nước này tiếp tục đạt được doanh thu.
Bản thân phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cũng thừa nhận rằng nền kinh tế Nga đang “cho thấy một số khả năng phục hồi”. Dù vậy, ông cho rằng việc này có thể duy trì lâu dài hay không là một vấn đề khác.