Reuters đưa tin ngày 8/3, Ủy ban Thương mại và Năng lượng của Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu về dự luật yêu cầu ByteDance - công ty mẹ TikTok, phải thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng này trong vòng 6 tháng, nếu không muốn bị cấm hoạt động tại Mỹ.
Kết quả bỏ phiếu tại Ủy ban Thương mại và Năng lượng là 50 phiếu thuận và không có phiếu phản đối nào. Dự luật mới có tên là dự luật bảo vệ người Mỹ khỏi các ứng dụng được kiểm soát bởi đối thủ nước ngoài.
Theo dự luật, ByteDance phải thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng TikTok. Nếu không, các kho ứng dụng do Apple, Google và các các hãng khác quản lý sẽ không được phép cung cấp dịch vụ lưu trữ web cho các ứng dụng do ByteDance quản lý như Lemon8 và CapCut.
Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Steve Scalise - thành viên đảng Cộng hòa cho biết, Ủy ban sẽ đưa dự luật an ninh quốc gia quan trọng này tới Hạ viện Mỹ để bỏ phiếu vào tuần tới.
Dân biểu Frank Pallone, thành viên đảng Dân chủ trong Ủy ban, kỳ vọng dự luật mới sẽ buộc TikTok phải thoái vốn để người Mỹ có thể tiếp tục sử dụng nền tảng này hoặc nền tảng tương tự mà không lo ngại bị kiểm soát.
Nghị sỹ Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về Trung Quốc của Hạ viện Mỹ, và nghị sỹ Raja Krishnamoorthi cho rằng, dự luật này sẽ giải quyết các vấn đề an ninh quốc gia trước lo ngại sự can thiệp của Chính phủ Trung Quốc đối với ứng dụng này.
"TikTok có thể tồn tại và vận hành miễn là có sự độc lập trong vận hành. Đây không phải là lệnh cấm mà hãy xem đây là một cuộc 'đại phẫu' nhằm loại bỏ những khối u không tốt," ông Gallagher nói và kêu gọi các nhà đầu tư ByteDance của Mỹ ủng hộ việc thoái vốn.
Phản ứng sau kết quả bỏ phiếu, TikTok cho rằng lệnh cấm hoàn toàn trên sẽ gây thiệt hại cho hàng triệu doanh nghiệp, hủy hoại sinh kế của nhiều người sáng tạo nội dung trên khắp nước Mỹ và ngăn cản nghệ sỹ kết nối với khán giả.
"Dự luật này có kết quả được định sẵn là cấm hoàn toàn TikTok ở Mỹ. Chính phủ Mỹ dường như đang tước bỏ quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp của 170 triệu người dùng tại đây. Điều này sẽ gây thiệt hại cho hàng triệu doanh nghiệp, ngăn chặn việc tiếp cận công chúng của nhiều người nghệ sỹ cũng như ảnh hưởng đời sống của vô số nhà sáng tạo nội dung", TikTok thông tin.
TikTok đang đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng của phương Tây vì những lo ngại rằng ứng dụng sẽ thu thập dữ liệu người dùng, truyền bá thông tin sai, độc hại. Lệnh cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị công đã có hiệu lực tại nhiều nước như Canada, Đan Mạch, Bỉ, Nepal và Australia.
Hồi tháng 4/2023, các nhà lập pháp của bang Montana, Mỹ cũng thông qua dự luật cấm TikTok được cung cấp tại bang này từ năm sau. Hay như 3 cơ quan hàng đầu của Liên minh châu Âu là Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu cũng thông báo áp dụng lệnh cấm cài đặt ứng dụng TikTok trên các thiết bị công kể từ giữa tháng 3 năm ngoái.
Nguyên nhân chủ yếu là do các nước lo ngại về vấn đề quyền riêng tư và tính bảo mật thông tin của người sử dụng, cũng như nguy cơ truyền bá những nội dung xấu độc, có thể đe dọa đến an ninh quốc gia.
Phía TikTok phủ nhận những cáo buộc liên quan và cho rằng những hạn chế ban hành là không có căn cứ. Ứng dụng truyền thông xã hội này cũng vừa công bố gói biện pháp mới "Project Clover" nhằm tăng cường bảo vệ dữ liệu người dùng ở châu Âu. Động thái này được các nhà phân tích đánh giá như là một cách xoa dịu cũng như xây dựng lòng tin của TikTok đối với các quốc gia khác.