Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Ảnh: The Citizen |
"Hội đồng điều tra nhận thấy rằng không có bằng chứng nào chứng minh cho tuyên bố có tàu vận chuyển vũ khí từ Nam Phi tới Nga. Không có giấy phép nào được cấp cho việc xuất khẩu vũ khí, cũng như không có vũ khí nào được phép xuất khẩu", Tổng thống Nam Phi Ramaphosa ngày 3/9 thông báo, theo Reuters.
Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Nam Phi Reuben Brigety cáo buộc một tàu chở hàng Lady R treo cờ Nga đã tải vũ khí vũ khí và đạn dược từ căn cứ hải quân của Nam Phi, gần thành phố Cape Town, trong khoảng thời gian từ ngày 6-8/12/2022.
Tàu Lady R cập cảng căn cứ hải quân ở Nam Phi. Ảnh: Reuters |
"Chúng tôi tin chắc rằng vũ khí đã được chất lên con tàu đó. Tôi sẽ đặt cược mạng sống của mình vào tính chính xác của điều này”, ông Brigety nói, đồng thời đặt ra câu hỏi về lập trường được cho là trung lập của Nam Phi đối với xung đột Nga – Ukraine, cũng như những kêu gọi chấm dứt cuộc chiến.
Giới chức Nam Phi ngay sau đó đã bác bỏ cáo buộc này, khẳng định sẽ mở một cuộc điều tra độc lập để làm rõ nghi vấn.
Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Ramaphosa cho biết tàu Lady R đã cập cảng ở Cape Town để chuyển giao thiết bị do Công ty mua sắm vật tư quốc phòng Armscor của Nam Phi đặt hàng cho quân đội Nam Phi. Đơn hàng được đặt vào năm 2018.
Ông Ramaphosa cũng không tiết lộ chi tiết về số thiết bị nói trên, do lo ngại ảnh hưởng tới hoạt động quân sự quan trọng của quân đội Nam Phi, cũng như an toàn tính mạng của các binh sĩ.
"Sau khi tất cả các vấn đề được xem xét, không có bất cứ cáo buộc nào về việc Nam Phi cung cấp vũ khí cho Nga được chứng minh là đúng. Không ai trong số những người đưa ra cáo buộc trên có thể cung cấp bằng chứng cho các tuyên bố nhằm vào đất nước chúng tôi", ông Ramaphosa nhận định.
Tổng thống này cũng bày tỏ lo ngại những cáo buộc trên đã có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nam Phi và vị thế của nước này trên trường quốc tế.
Chính phủ Nam Phi đã nhiều lần tuyên bố trung lập về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, đồng thời kêu gọi các bên đàm phán ngoại giao để chấm dứt chiến tranh.
Trong chuyến công du đến Nga và Ukraine hồi tháng 6, Tổng thống Nam Phi Ramaphosa và cùng các lãnh đạo châu Phi đã đề xuất kế hoạch hòa bình 10 điểm cho Kiev.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow đánh giá cao các đề xuất của phái đoàn châu Phi. Đồng thời, ông cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin và các đại diện châu Phi sẵn sàng tiếp xúc thêm dù không phải tất cả các điều khoản của sáng kiến hòa bình đều tương quan với lập trường của Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bác bỏ sáng kiến hòa bình của Liên minh châu Phi (AU), tuyên bố Kiev không thể đàm phán với Nga nếu Moscow không rút quân, cũng như không đồng ý đóng băng cuộc xung đột.