Nắng nóng kéo dài khiến nhiều hồ chứa tại Trung Quốc khô cạn và ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất thủy điện trên sông Dương Tử. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters nhận định, đợt nắng nóng kéo dài 70 ngày qua tại Trung Quốc có thể được coi như đợt nắng nóng dài nhất và lan rộng nhất từng ghi nhận được. Dọc theo sông Dương tử, khoảng 30% trong số 600 trạm thời tiết ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước tới nay.
Dù đã hạ cấp cảnh báo nhiệt quốc gia xuống "màu cam" hôm 24/8 sau 12 ngày liên tiếp xảy ra "cảnh báo đỏ", Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc cho biết nhiệt độ dự kiến vẫn vượt quá 40 độ C ở Trùng Khánh, Tứ Xuyên và các khu vực khác của lưu vực sông Dương Tử. Trong cùng ngày, một trạm thời tiết ở Tứ Xuyên thậm chí còn ghi nhận nhiệt độ 43,9 độ C, cao nhất từ trước đến nay trong tỉnh.
Tại khu vực phía tây nam của Trùng Khánh – khu vực bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng bởi đợt sóng nhiệt này, những người dân cùng vật nuôi và cây trồng đang phải hứng chịu các hệ quả.
Ông Zhang Ronghai, một người dân Trùng Khánh, cũng nằm trong phạm vi bị ảnh hưởng của đợt nắng nóng này. Khi trả lời Reuters, ông cho biết cả nguồn nước và nguồn điện của ông đều đã bị cắt sau một vụ cháy rừng trên núi kéo dài 4 ngày ở huyện Jiangjin. Vì vậy để sạc thiết bị điện, mọi người gần nơi ông sống đều phải đến trung tâm điện lực cách đó hơn 10 km.
Ngoài ông Zhang, nhiều người dân khác tại Trùng Khánh và Tứ Xuyên cũng đang chịu tác động của đợt nắng nóng kéo dài. Trên mạng xã hội Weibo của nước này hôm 24/8 đã xuất hiện nhiều hình ảnh cho thấy người dân và tình nguyện viên ở 2 tỉnh này đang vật lộn và thậm chí ngất xỉu do nhiệt độ cao trong các cuộc kiểm tra COVID-19 bắt buộc.
Nhằm đối phó với tình trạng này, chính quyền tỉnh Trùng Khánh cùng một số tỉnh khác đã phải thực hiện cắt điện luân phiên nhằm phân bổ năng lượng hợp lý, đồng thời cho tạm dừng các hoạt động sản xuất công nghiệp để ưu tiên điện cho khu vực dân cư.
Để một phần giải quyết tình trạng này, cơ quan nông nghiệp Trùng Khánh cũng đã đưa ra các biện pháp khẩn cấp. Cụ thể theo hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, tỉnh này đang lên các kế hoạch nhằm bảo vệ đàn gia súc tại hơn 5.000 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn vốn đang phải đối mặt với "những thách thức nghiêm trọng" do nắng nóng.
Tuy nhiên theo ông Lin Zhong, giáo sư tại Đại học Thành phố Hong Kong, các tác động của nắng nóng nếu không được kiểm soát còn có thể "lan sang các lĩnh vực liên quan đến lương thực khác, dẫn đến việc tăng giá đáng kể hoặc khủng hoảng lương thực trong trường hợp nghiêm trọng nhất".
Do nắng nóng và thời tiết khô hạn, không chỉ các cánh rừng tại Trung Quốc mà tại nhiều nước châu Âu và châu Mỹ cũng đang bốc cháy. Ảnh: Reuters |
Trong bối cảnh nắng nóng và hạn hán kéo dài, các hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc hướng sự chú ý tới các tác động của biến đổi khí hậu lên các hiện tượng thời tiết cực đoan. Cụ thể, các chuyên gia cảnh báo Trung Quốc đặc biệt dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu và thiên tai trong những năm tới do thời tiết có nhiều biến động.
Do đó với tư cách là một trong những nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã cam kết trở thành một quốc gia carbon trung tính vào năm 2060 cùng với việc chạy đua phát triển năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, hạn hán đã làm xói mòn việc sản xuất thủy điện do mực nước sông Dương Tử xuống mức thấp nhất trong nhiều năm và ngược lại khiến nhiệt điện than gia tăng. Trong khi đó, triển vọng hợp tác quốc tế để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu lại bị mờ đi dần sau chuyến thăm gây tranh cãi vào tháng này của người đứng đầu Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới đảo Đài Loan. Trung Quốc đã đáp trả bằng cách hủy toàn bộ các cuộc đàm phán về khí hậu với Mỹ, nhưng tuyên bố vẫn sẽ giữ nguyên các mục tiêu và chính sách xanh đã đề ra.