Cơ quan y tế khuyến cáo người dân Nhật Bản hạn chế ra ngoài và uống nhiều nước trong thời tiết nắng nóng. Ảnh: AP |
Theo hãng tin AP trích dẫn tuyên bố của Văn phòng Giám định Y tế Tokyo ngày 6/8, khu vực đô thị Tokyo ghi nhận tổng cộng 123 người thiệt mạng do say nắng vào tháng 7 vừa qua, trong đó phần lớn là người cao tuổi. Hầu hết các nạn nhân đều được phát hiện đã tử vong trong nhà và họ đều không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ mặc dù đã lắp đặt chúng.
Văn phòng Giám định Y tế Tokyo nhận định đây là số nạn nhân tử vong do say nắng lớn nhất ở 23 quân đô thị Tokyo kể từ khi 127 người tử vong trong đợt nắng nóng ghi nhận vào tháng 7/2018 trước đây. Ngoài 123 người tử vong tại Tokyo, Nhật Bản còn ghi nhận hơn 37.000 người nhập viện điều trị say nắng trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến 28/7 trên phạm vi cả nước.
Tình trạng này xảy ra trong bối cảnh nhiệt độ trung bình trong tháng 7/2024 tại quốc gia này cao hơn 2,16 độ C so với mức trung bình trong vòng 30 năm qua, khiến tháng này trở thành tháng 7 nóng nhất kể từ khi Cơ quan Khí tượng Nhật Bản bắt đầu lưu giữ hồ sơ vào năm 1898.
Nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe, các cơ quan y tế và dự báo thời tiết Nhật Bản liên tục khuyến cáo người dân nên ở trong nhà, uống nhiều nước để tránh mất nước và sử dụng điều hòa để hạ nhiệt do người cao tuổi thường cho rằng điều hòa không tốt cho sức khỏe và có xu hướng tránh sử dụng. Trong ngày 6/8, cảnh báo say nắng.
Vào tháng 8 tới, cơ quan khí tượng Nhật Bản dự đoán nhiệt độ sẽ còn cao hơn trong tháng 7 và ở mức trung bình từ 35 độ C trở lên. Do đó, cơ quan này khuyến cáo người dân “chú ý đến dự báo nhiệt độ cũng như cảnh báo say nắng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp để ngăn ngừa say nắng”.
Nhật Bản không phải quốc gia Đông Á duy nhất trải quan những ngày nắng nóng khắc nghiệt. Các tỉnh phía đông và phía nam Trung Quốc đang trải qua những ngày nhiệt độ cao kèm theo lượng tiêu thụ điện kỷ lục, khiến chính quyền địa phương bắt đầu cân nhắc các biện pháp tiết kiệm để giảm tải áp lực lên lưới điện.
Được biết đến là một khu vực với nhiều doanh nhân nổi tiếng và các tập đoàn công nghệ lớn như Alibaba và NetEase, thành phố Hàng Châu đã ghi nhận nhiệt độ vượt mức 40 độ C kể từ ngày 3/8. Trong khi đó tại Thượng Hải, nhu cầu tối đa trên lưới điện của nơi này lần đầu tiên vượt quá 40 triệu kilowatt vào ngày 2/8 do nhiệt độ vượt ngưỡng 37 độ C làm tăng mức tiêu thụ điện ở thành phố gần 25 triệu dân.
Dự kiến trong những ngày tới, nhiệt độ tối đa hàng ngày từ 37 độ C đến 39 độ C, thậm chí trên 40 độ C, sẽ ảnh hưởng đến các khu vực khác của quốc gia này như Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, An Huy và Chiết Giang.
Hàn Quốc cũng đang phải hứng chịu đợt nắng nóng khắc nghiệt với ít nhất 2 ngày liên tiếp nhiệt độ ban ngày trên 33 độ C kể từ 24/7, khiến Cục Khí tượng (KMA) phải ban hành các khuyến cáo cho toàn quốc ngoại trừ điểm cao nhất là Núi Hallasan ở Jeju.
Ngày 4/8. nhiệt độ thậm chí còn tăng lên 40 độ C ở thành phố Yeoju, tỉnh Gyeonggi, đánh đấu lần đầu tiên kể từ tháng 8/2018 nhiệt độ chạm mốc 40 độ C. Mùa hè nóng nhất Hàn Quốc là vào năm 2018 khi nhiệt độ lên tới 41 độ C được ghi nhận tại thành phố Hongcheon, tỉnh Gangwon.
Do ảnh hưởng của nắng nóng, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc đã báo cáo 5 trường hợp tử vong liên quan đến nhiệt độ cao tính tới 3/8. Vật nuôi, chủ yếu là gia cầm, cũng bị ảnh hưởng nặng nề với ít nhất 303.000 ca tử vong được báo cáo.
KMA dự báo đợt nắng nóng đang diễn ra với nhiệt độ ban ngày lên tới gần 40 độ C có thể sẽ tiếp tục cho đến ngày 14/8.