Đại sứ quán Nga tại London. Ảnh: AP |
Trong một tuyên bố trực tuyến ngày 13/9, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã thu hồi giấy phép của 6 nhà ngoại giao Anh. Theo AP trích dẫn tuyên bố của FSB, cơ quan này cho biết đã nhận được các tài liệu cho thấy 6 nhà ngoại giao được một bộ phận của Văn phòng Ngoại giao Anh cử đến Nga "với nhiệm vụ chính là gây ra thất bại chiến lược cho đất nước chúng tôi" và tham gia vào "hoạt động thu thập thông tin tình báo và hoạt động phá hoại".
FSB không nêu tên 6 nhà ngoại giao, tuy nhiên đưa ra cảnh báo rằng nếu Nga phát hiện các nhà ngoại giao khác thực hiện "hành động tương tự", những người vi phạm "sẽ được yêu cầu chấm dứt sớm nhiệm vụ của họ" tại Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trong một tuyên bố cùng ngày cũng cho biết 6 nhà ngoại giao bị trục xuất đang thực hiện các hành động phá hoại nhằm gây hại cho người dân Nga. "Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với các đánh giá về hoạt động của những người được gọi là nhà ngoại giao Anh do FSB đưa ra. Đại sứ quán Anh đã vượt xa các giới hạn được nêu trong Công ước Vienna,” bà nhấn mạnh.
Về phía chính phủ Anh, nước này gọi các cáo buộc của Nga là “hoàn toàn vô căn cứ”. Bộ Ngoại giao Anh ngày 13/9 đã liên kết vụ Nga trục xuất 6 nhà ngoại giao với quyết định của Anh vào tháng 5 trước đó về việc thu hồi giấy phép của một nhà ngoại giao thuộc Đại sứ quán Nga tại London và áp dụng giới hạn thời gian 5 năm đối với tất cả các nhà ngoại giao Nga tại Anh.
Hồi tháng 5 trước đó, Anh đã trục xuất tùy viên quốc phòng của Nga tại Đại sứ quan Nga ở London với cáo buộc người này là một sĩ quan tình báo không khai báo. Anh cũng đồng thời đóng cửa một số cơ sở ngoại giao của Nga tại Anh được cho là để do thám. Khoảng một tuần sau, Nga đã đáp trả và trục xuất tùy viên quốc phòng của Anh.
Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng trong ngày 13/9 khi đang trên đường tới thăm Mỹ khẳng định London “không tìm kiếm bất kỳ xung đột nào với Nga”. Ông khẳng định Nga là bên bắt đầu cuộc xung đột với Ukraine một cách bất hợp pháp và hoàn toàn “có khả năng chấm dứt cuộc xung đột ngay lập tức”.
Ông nhấn mạnh: "Ukraine có quyền tự vệ và rõ ràng là chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyền tự vệ của Ukraine, ví dụ như việc giúp Ukraine trong công tác đào tạo. Tuy nhiên, chúng tôi không tìm kiếm bất kỳ xung đột nào với Nga - đây không phải là ý định của chúng tôi".
Kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022, việc phương Tây và Nga trục xuất các nhà ngoại giao đã trở nên thường xuyên hơn. Năm 2023, hãng tin Nga RBC đã thống kê rằng các nước phương Tây và Nhật Bản đã trục xuất tổng cộng 670 nhà ngoại giao Nga từ đầu năm 2022 đến tháng 10/2023. Trong khi đó, Moscow đáp trả bằng cách trục xuất 346 nhà ngoại giao. Theo RBC, con số này nhiều hơn tổng số của 20 năm trước cộng lại.